10:03, 29/03/2021

Ý kiến cử tri

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện trọng đại của đất nước và là ngày hội của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cũng như của quân, dân thị trấn Trường Sa.
 

 

Thượng tá Đinh Văn Cường - Chính trị viên đảo Trường Sa, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa: Mong muốn có những chủ trương, giải pháp thiết thực hơn về "Chiến lược biển Việt Nam"

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện trọng đại của đất nước và là ngày hội của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cũng như của quân, dân thị trấn Trường Sa.
 
Công tác bầu cử ở đảo được chuẩn bị tương tự như ở đất liền. Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch của các cấp về công tác bầu cử, chúng tôi đã thành lập Ủy ban Bầu cử thị trấn và các khu vực, các tổ bầu cử. Công tác tuyên truyền, trang trí khánh tiết, chuẩn bị các khu vực bầu cử, phòng bỏ phiếu, thẻ cử tri, niêm yết danh sách cử tri và các mặt công tác khác… cũng được thực hiện tốt. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày bầu cử. Bên cạnh đó, tại các điểm bầu cử, đơn vị đã chuẩn bị sẵn danh sách, thẻ cử tri dự bị để các ngư dân khai thác thủy sản trong khu vực không có điều kiện trở về đất liền trong ngày bầu cử thực hiện quyền công dân của mình.
 
Quân, dân thị trấn rất tin tưởng và kỳ vọng vào kết quả của cuộc bầu cử sắp tới và gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến các đại biểu trúng cử. Nhất là mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục có những chủ trương, giải pháp thiết thực hơn nữa trong việc thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam”, góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết tình quân dân.
 
THẾ ANH (Ghi)
 
 

 

Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học Trường Đại học Nha Trang: Tích cực xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục
 
Là một cử tri đang công tác trong ngành Giáo dục, tôi mong các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tiếp tục thường xuyên đi thực tế tại cơ sở, nắm bắt các thông tin, vấn đề còn nổi cộm của địa phương và của ngành để phản ánh đến cấp có thẩm quyền giải quyết. Đó là những vấn đề về chính sách đối với giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; những bất cập về các loại chứng chỉ, yêu cầu tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…; tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, chất lượng bữa ăn của trẻ em, học sinh… cùng nhiều vấn đề thời sự khác. Bên cạnh đó, tôi mong các đại biểu sẽ tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các định hướng, nghị quyết và chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như: Đổi mới phương pháp dạy và học; tinh gọn nội dung chương trình; áp dụng hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới; các giải pháp đánh giá thực chất năng lực của người học; khai thác tốt công nghệ dạy và học trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0… 

 

 
Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, mặc dù Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn thi hành luật đã ban hành nhưng vấn đề tự chủ đại học, đặc biệt tự chủ về tài chính, sử dụng tài sản công vẫn còn một số tồn tại do chưa được đồng bộ với luật chuyên ngành về tài chính, tài sản. Công tác thi cử, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT là vấn đề nóng được xã hội quan tâm nên rất cần sự vào cuộc sát sao của các đại biểu để kỳ thi và công tác xét tuyển đại học đảm bảo an toàn, công bằng, tiết kiệm, giảm bớt áp lực cho thí sinh. Tôi cũng mong vấn đề định hướng nghề nghiệp, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp được quan tâm hơn thông qua những chính sách, nghị quyết cụ thể nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, đào tạo không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động…
 
K.D (Ghi)