10:01, 27/01/2021

Mong muốn đại hội thảo luận kỹ hơn về cơ chế, chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế biển (*)

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trang tin điện tử Đại hội XIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trang tin điện tử Đại hội XIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Báo Khánh Hòa xin trích đăng lại nội dung bài phỏng vấn này.


- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước, trong đó công tác chuẩn bị nhân sự là một nội dung quan trọng. Là một trong những đại biểu tham dự đại hội, ông có nhận xét gì về những điểm mới trong vấn đề nhân sự của đại hội lần này?

 


- Với mỗi kỳ Đại hội Đảng, công tác văn kiện và công tác nhân sự là hai nội dung quan trọng nhất và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng như dư luận trong và ngoài nước. Trong đó, việc chuẩn bị nhân sự đại hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi các nghị quyết, mục tiêu và định hướng lớn mà đại hội đề ra.


Tôi nhận thấy, công tác chuẩn bị nhân sự được các cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời, tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, với phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.


Điểm mới trong công tác nhân sự lần này là tiến hành 5 bước (thêm 2 bước so với nhiệm kỳ trước) nên bảo đảm chặt chẽ, dân chủ. Đồng thời, đã cụ thể hóa cho cả tái cử và lần đầu tham gia theo từng nhóm đối tượng, chức danh; bảo đảm Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII có chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý.


Một điểm mới quan trọng khác được dư luận hết sức quan tâm là BCH Trung ương khóa XII đã lựa chọn một số trường hợp “đặc biệt” cả với nhân sự tái ứng cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội XIII và BCH Trung ương khóa XIII xem xét, lựa chọn bầu tham gia Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII.


Vấn đề này đã nhận được sự thống nhất cao trong BCH Trung ương khóa XII. Bởi BCH Trung ương khóa XII đã cân nhắc hết sức thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan; đồng thời đây cũng là yêu cầu xuất phát từ tình hình thực tiễn, là đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của Trung ương Đảng và cơ quan Nhà nước. Các trường hợp nhân sự “đặc biệt” đều có sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng và trong nhân dân.


Tôi tin rằng với những bước đi chặt chẽ, khoa học như vậy, công tác nhân sự của Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp.


 - Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng và gửi gắm gì vào Đại hội Đảng lần này, thưa ông?


- Đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa tham dự Đại hội XIII của Đảng rất phấn khởi và tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước, của tỉnh đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong 5 năm qua.

 

Với niềm tin sắc son hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng, đại hội sẽ bàn thảo, đưa ra những quyết sách đúng đắn để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu: Đến năm 2025, nước ta là nước phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Khánh Hòa cũng tin tưởng, đại hội sẽ bầu ra được BCH Trung ương Đảng, đặc biệt là các nhân sự cấp cao của Đảng thật sự có tâm, có tầm, có ý chí quyết tâm chính trị cao để lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững, trở thành quốc gia thịnh vượng trong thời gian sớm nhất.

 

Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam.

Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam.

 

- Đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị như thế nào để đóng góp vào sự thành công của đại hội? Đoàn sẽ đóng góp ý kiến đối với những vấn đề lớn nào? Đồng thời có kiến nghị gì với đại hội, thưa ông?


- Khánh Hòa nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, như một hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam với đầy đủ đồng bằng, miền núi, biển và hải đảo. Khánh Hòa có bờ biển dài 385km (bờ biển dài nhất Việt Nam), trong đó, khoảng 150km là mặt tiền trông ra Biển Đông; có khoảng 200 đảo lớn, nhỏ gần bờ và trên 100 đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng với đó, Khánh Hòa cũng sở hữu 3 vịnh biển có vị trí chiến lược, quan trọng của đất nước là vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh; có căn cứ Cam Ranh và huyện Trường Sa giữ tầm quan trọng và địa chính trị bậc nhất về quốc phòng, an ninh. Những tiềm năng, lợi thế đó, cho phép Khánh Hòa phát triển nhiều ngành kinh tế biển quan trọng như: Du lịch hàng hải, du lịch biển, đảo; đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; cảng biển, vận tải biển, sửa chữa và đóng tàu…; đồng thời cũng là để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là phấn đấu đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.


Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, BCH Đảng bộ đã tổng hợp, tiếp thu các ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ góp ý vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo… được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và chuyên gia kinh tế tại tỉnh nhất trí cao.


Do vậy, để phát huy tiềm năng, lợi thế và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa mong muốn đại hội sẽ dành thời gian thảo luận kỹ hơn về các cơ chế, chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế biển. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan Trung ương có những quyết sách mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế biển, hình thành các tập đoàn lớn có vai trò chủ lực về kinh tế biển. Đối với huyện Trường Sa, cần có những chính sách đầu tư phát triển các âu tàu để vừa giúp ngư dân tránh bão, vừa làm tốt các dịch vụ hậu cần; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tham gia đánh bắt, nghiên cứu các loài hải sản có thể nuôi trồng ở Trường Sa; vì khi người dân được tạo điều kiện và có sự hỗ trợ tốt nhất để tham gia phát triển kinh tế tại Trường Sa, sẽ góp phần rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Tuyết Lan (Thực hiện)

 

--------------------------------------------
(*) Đầu đề do tòa soạn đặt.