Sáng 23-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025.
Sáng 23-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Năm 2021 và nhiệm kỳ 2021-2025, toàn ngành Tư pháp đặt mục tiêu nghiên cứu xây dựng luật về tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); đẩy mạnh kiểm tra, rà soát VBQPPL; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ pháp điển; nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật…
Năm 2020, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số văn bản do Chính phủ trình, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản. Nhiệm kỳ này, số VBQPPL ở cấp trung ương, cấp tỉnh tăng so với nhiệm kỳ trước, trong khi số VBQPPL ở cấp huyện, cấp xã đều giảm hơn 1/2; phù hợp với mục tiêu của Luật Ban hành VBQPPL và chủ trương chính quyền cơ sở tập trung tổ chức thi hành pháp luật. Ngành đã thẩm định gần 6.000 dự thảo VBQPPL; kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản; rà soát hơn 32.000 VBQPPL. Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với gần 8.800 văn bản. Kết quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính chuyển biến tích cực. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có bước phát triển, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực hộ tịch... Tuy nhiên, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng trở lại; hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật chưa cao; cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính chưa xây dựng được.
Tại Khánh Hòa, trong năm, Sở Tư pháp đã thẩm định 27 dự thảo VBQPPL; giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 29 VBQPPL cấp tỉnh; tập trung tham mưu, tư vấn pháp lý để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đặc biệt về lĩnh vực đầu tư, đất đai. Công tác trợ giúp pháp lý dần đi vào chiều sâu.
N.V