10:12, 28/12/2020

Góp ý dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Xử lý tài sản bảo đảm đang là vấn đề lớn, cần được giải quyết thuận lợi, hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro. Vừa qua, tại hội thảo do Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Khánh Hòa, dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp đáng chú ý.

Xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) đang là vấn đề lớn, cần được giải quyết thuận lợi, hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro. Vừa qua, tại hội thảo do Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Khánh Hòa, dự thảo Nghị định (NĐ) về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp đáng chú ý.


Nhiều nội dung cần cân nhắc


Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, dự thảo vừa bao quát, vừa tối đa hóa việc dùng tài sản để bảo đảm thanh toán nghĩa vụ. Nhưng có ý kiến cho rằng, không nên mô tả, liệt kê quá chi tiết các dấu hiệu pháp lý để xác định TSBĐ mà nên chia TSBĐ theo 2 nhóm, trong đó chỉ cần mô tả các dấu hiệu pháp lý đối với nhóm bất động sản, động sản phải đăng ký sở hữu, đăng ký biến động; nhóm động sản còn lại nên để các bên tự lựa chọn.

 

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.


Theo ông Nguyễn Văn Mạnh - Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Điều 18 dự thảo có nêu: “Quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai không được dùng để bảo đảm, trừ trường hợp Luật Đất đai có quy định khác”. Nhưng NĐ 163/2006 quy định “tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất”. Hiện nay, Hiến pháp vẫn quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân; cơ chế đăng ký đất đai vẫn là đăng ký xác lập. Thực tế, đất chưa được cấp sổ không thể đưa vào giao dịch dân sự hay dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự. Do đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc thay đổi chính sách ở nội dung này; đánh giá về tính khả thi, tác động, thủ tục hành chính.


Ông Mạnh phân tích, một nội dung rất quan trọng trong dự thảo là cá nhân, tổ chức kinh tế không phải tổ chức tín dụng cũng có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai không quy định trình tự, thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức kinh tế. Do đó, quy định này không khả thi. Theo dự thảo, cá nhân, tổ chức kinh tế được nhận thế chấp quyền sử dụng đất nhưng không phải đăng ký kinh doanh về lĩnh vực này. Nội dung này cần đánh giá kỹ, đặc biệt về tác động tiêu cực có thể phát sinh trong hoạt động tín dụng, bởi có thể dẫn tới việc hợp pháp hóa các hành vi nhận thế chấp quyền sử dụng đất của những đối tượng chuyên cho vay, hoạt động “tín dụng đen”; chưa kể công dân Việt Nam (người có quốc tịch Việt Nam) ở nước ngoài cũng có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, kéo theo quyền xử lý quyền sử dụng đất khi người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ.


Xử lý tài sản bảo đảm

 

Dự thảo NĐ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm 6 chương, 63 điều, được xây dựng trên cơ sở các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, các luật mới được Quốc hội ban hành gần đây và tổng kết thực hiện NĐ 163/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; tập trung vào 4 nội dung chính: Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; TSBĐ; xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; xử lý TSBĐ.

Có ý kiến phân tích, các tổ chức tín dụng muốn thu hồi TSBĐ nhanh và được ưu tiên khi xử lý TSBĐ, nhưng việc xây dựng văn bản cũng cần bảo đảm bình đẳng giữa các chủ thể khi cùng tham gia một quan hệ dân sự. Ví dụ, nếu quy định ngân hàng có quyền tự thu giữ tài sản để xử lý thì cá nhân, tổ chức khác là bên nhận bảo đảm cũng có quyền tự thu giữ? Bà Ngô Thị Minh Thảo - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam nhìn nhận, dự thảo cũng chưa có quy định hay chế tài buộc bên bảo đảm giao TSBĐ cho bên nhận bảo đảm, cũng như hỗ trợ bên nhận bảo đảm thực hiện quyền được xử lý TSBĐ.


Theo luật sư Nguyễn Đình Thơ - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, dự thảo nên quy định việc xác lập, xử lý thế chấp quyền phát sinh từ hợp đồng. Quyền này có thể dùng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nếu có giá trị thanh khoản nhất định. Thực tế, việc xử lý quyền phát sinh từ hợp đồng khiến không ít ngân hàng gặp khó khăn. Từ đó nên quy định theo hướng, sau khi nhận được thông báo thế chấp quyền nói trên, bên có nghĩa vụ phải thanh toán mọi khoản nợ theo hợp đồng vào tài khoản phong tỏa do bên thế chấp mở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam theo chỉ định của bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp không phải thực hiện nghĩa vụ nào của bên thế chấp theo hợp đồng nếu bên thế chấp không hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ này. Đồng thời, cấm bên thế chấp thay đổi, từ bỏ bất cứ quyền nào của mình theo hợp đồng hoặc giải phóng bất cứ nghĩa vụ nào cho bên có nghĩa vụ mà không được bên nhận thế chấp đồng ý trước bằng văn bản. Tương tự, quyền đòi nợ cũng có tính thanh khoản khá cao; việc xử lý thế chấp lại đơn giản, nhanh và tốn ít chi phí. Thực tế, thế chấp quyền đòi nợ trong tương lai khá phổ biến, nhất là trong tài trợ dự án nhà ở thương mại. Vì vậy, thế chấp quyền đòi nợ không nhất thiết là nghĩa vụ của bên thế chấp mà nên để các bên tự thỏa thuận. Dự thảo cũng nên coi thế chấp số dư tài khoản ngân hàng là một dạng thế chấp quyền đòi nợ và quy định cách xác định tài sản thế chấp…


NGUYỄN VŨ