10:11, 05/11/2020

Ông Trần Hồng Minh - Sở Công Thương: Cần có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

Tôi nhất trí cao với dự thảo các văn kiện mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đối với nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong dự thảo Báo cáo chính trị, tôi có ý kiến về xây dựng tổ chức Công đoàn.



 

Tôi nhất trí cao với dự thảo các văn kiện mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đối với nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong dự thảo Báo cáo chính trị, tôi có ý kiến về xây dựng tổ chức Công đoàn (CĐ).


Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) tại Chương XIII có quy định, tại cơ sở có thể xuất hiện tổ chức đại diện khác của người lao động (NLĐ), CĐ cơ sở không phải là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ. Do đó, Đảng, Nhà nước cần có giải pháp về định hướng và quản lý sự ra đời của tổ chức khác đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp, có nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ cơ sở nhằm thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ khi có tổ chức đại diện NLĐ khác. CĐ là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của NLĐ, là cầu nối quan trọng của Đảng với NLĐ để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới NLĐ và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của NLĐ tới Đảng, Nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới, tổ chức CĐ cần phải thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.


Hiện nay, đại đa số cán bộ CĐ cấp cơ sở là kiêm nhiệm, cũng là NLĐ được chủ sử dụng lao động trả lương nên khi thực hiện nhiệm vụ công tác CĐ gặp không ít khó khăn; nếu nghiêng về phía NLĐ sẽ nhận những phản ứng tiêu cực từ phía chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân. Ngược lại, nếu cán bộ CĐ thực hiện các yêu cầu của chủ sử dụng lao động có ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ thì dễ tạo ra xung đột, gây mất ổn định trong doanh nghiệp. Do đó, để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông lao động thì cần xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở có bản lĩnh chính trị, uy tín, kinh nghiệm, năng lực công tác, phương pháp làm việc, kỹ năng tổ chức hoạt động CĐ. Đồng thời, cần tăng cường cán bộ CĐ cơ sở chuyên trách đối với khu vực kinh tế tư nhân có đông lao động (từ 1.000 người trở lên); có cơ chế cụ thể để bảo vệ cán bộ CĐ không chuyên trách.


H.DUNG (Ghi)