Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Dự thảo cũng phân định rõ hơn vai trò, nội dung, yêu cầu và các công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước trong phát triển và củng cố các quan hệ gắn kết giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh và làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nhấn mạnh nguyên tắc doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, áp dụng quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu chủ yếu và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo yêu cầu thị trường.
Tuy nhiên, để toàn diện và đồng bộ hơn, dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung và làm rõ hơn cơ chế quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhất là loại hình 100% vốn nhà nước, không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác và do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường. Thứ hai, cần bổ sung nguyên tắc “quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường” thành đầy đủ là “quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu, quy luật và quy trình của kinh tế thị trường, cũng như với các điều khoản hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”. Điều này là cần thiết để cơ chế thị trường được thực thi đầy đủ, bảo đảm uy tín chính trị, niềm tin thị trường và khai thác các cơ hội mới. Thứ ba, cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là chủ động dự báo và ngăn chặn, xử lý các khuyết tật, tác động mặt trái và khủng hoảng chu kỳ của kinh tế thị trường.
Phạm Tiến
(Phường Phước Hải, TP. Nha Trang)