04:11, 12/11/2020

Chung tay giảm nhẹ nỗi đau

Ông Cao Văn My - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa

 

- Xin ông đánh giá về kết quả đạt được của hội nhiệm kỳ 2014 - 2019?

- Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, có hơn 2.000 người bị nhiễm do trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 700 người là con của người trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 4.000 người là dân thường và hơn 2.300 người là con của dân thường. Xác định công tác chăm lo, giúp đỡ hội viên là nhiệm vụ then chốt, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh luôn chú trọng xây dựng, kiện toàn hội các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 8/9 hội cấp huyện (trừ huyện Trường Sa), 4 hội cấp xã và 83 chi hội trực thuộc hội cấp huyện với hơn 2.500 hội viên.

* Ông Cao Văn My - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.

 

- Xin ông đánh giá về kết quả đạt được của hội nhiệm kỳ 2014 - 2019?


- Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, có hơn 2.000 người bị nhiễm do trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 700 người là con của người trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 4.000 người là dân thường và hơn 2.300 người là con của dân thường. Xác định công tác chăm lo, giúp đỡ hội viên là nhiệm vụ then chốt, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh luôn chú trọng xây dựng, kiện toàn hội các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 8/9 hội cấp huyện (trừ huyện Trường Sa), 4 hội cấp xã và 83 chi hội trực thuộc hội cấp huyện với hơn 2.500 hội viên.

 

Ông Cao Văn My
Ông Cao Văn My

 

Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã chủ động tổ chức vận động, kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội, các tổ chức nước ngoài để chia sẻ khó khăn với nạn nhân. Với sự nỗ lực đó, nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã vận động tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh hội vận động được hơn 1,6 tỷ đồng, hội cấp huyện vận động được hơn 1,9 tỷ đồng và hội cấp xã hơn 300 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí vận động được, các cấp hội đã tổ chức thăm, tặng quà, trao xe lăn, học bổng cho hàng ngàn lượt hội viên; đặc biệt đã hỗ trợ xây mới 17 căn nhà tình nghĩa cho những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đơn vị thường xuyên ủng hộ như: Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang…


Cùng với đó, các cấp hội tích cực vận động, hỗ trợ vốn giúp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho các nạn nhân; vận động các doanh nghiệp, y, bác sĩ trực tiếp đến địa bàn dân cư thăm, khám bệnh cho các nạn nhân. Tỉnh hội đã tổ chức 2 đợt “xông hơi tẩy độc” cho 22 nạn nhân với số tiền hơn 100 triệu đồng. Những hoạt động đó góp phần động viên, khích lệ và tạo động lực cho các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

 

1

Ông Vũ Cao Cải - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Cam Ranh thăm hỏi gia đình hội viên.

 

Bên cạnh đó, hội còn kết nối với các tổ chức nước ngoài kêu gọi sự hỗ trợ. Qua đó, hội đã tiếp nhận 18.100USD và 50 triệu đồng để hỗ trợ xây 12 căn nhà tình nghĩa và 1 giếng nước cho nạn nhân gặp khó khăn. Hội còn thu thập hơn 4.000 chữ ký của nạn nhân để phản đối vũ khí hạt nhân và làm cơ sở kiện các công ty hóa chất Mỹ đòi công lý.


Công tác tuyên truyền được hội đẩy mạnh: Hoạt động kiểm tra, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Công tác giải quyết hồ sơ chế độ được các ngành chức năng triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Từ năm 2015 đến nay, các ngành chức năng đã tiếp nhận, thẩm định và giải quyết 352 hồ sơ. Qua đó, công nhận 139 người đủ điều kiện theo quy định. Trung tâm Giám định y khoa tỉnh tiếp nhận 185 hồ sơ và giải quyết 100%. Qua đó, có 163 hồ sơ đủ điều kiện chuyển cho ngành chức năng ra quyết định công nhận nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, toàn tỉnh không có hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện bị tồn đọng. Hiện nay, toàn tỉnh chi trả trợ cấp hàng tháng cho hơn 1.600 nạn nhân chất độc da cam, trong đó hơn 1.400 người trực tiếp và hơn 200 người là con đẻ của họ. Việc chi trả chế độ được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng.

 

Khám bệnh cho nạn nhân chất độc da cam ở TP. Nha Trang.

Khám bệnh cho nạn nhân chất độc da cam ở TP. Nha Trang.

 

- Ông có thể cho biết đôi nét về tình hình đời sống hiện nay của các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh?


- Với những chính sách của Nhà nước, địa phương, nói chung tình hình đời sống của các nạn nhân chất độc da cam đã phần nào vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, những gia đình nạn nhân chất độc da cam ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều nạn nhân tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, không còn khả năng lao động; con cái họ thì bị dị dạng, dị tật nên cuộc sống chỉ phụ thuộc vào trợ cấp và sự giúp đỡ của xã hội. Mặt khác, nhiều người vẫn còn kỳ thị, xa lánh các nạn nhân chất độc da cam.

 

Đặc biệt, hiện nay, còn nhiều người ở vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học bị mắc các bệnh hiểm nghèo nhưng lại không nằm trong nhóm bệnh do Bộ Y tế quy định nên họ không được công nhận bị nhiễm chất độc hóa học để hưởng chế độ. Do vậy, các ngành chức năng cần kiến nghị Trung ương mở rộng nhóm bệnh do phơi nhiễm chất độc da cam để các nạn nhân sớm được hưởng chế độ. Đồng thời, cần công nhận những cháu là thế hệ thứ 3 bị dị dạng, di tật, thiểu năng trí tuệ là nạn nhân chất độc da cam để xét chế độ, giúp các cháu và gia đình vơi bớt khó khăn. Các nạn nhân vẫn luôn cần sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội.


- Nhiệm kỳ tới, hội sẽ có những giải pháp nào để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chăm lo tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam?


- Hiện nay, Nhà nước thực hiện chủ trương sắp xếp lại các tổ chức xã hội. Do đó, hoạt động của hội thời gian tới sẽ chuyển đổi trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho hội khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Cán bộ hội phải làm việc trên tinh thần tự nguyện, không vì lợi ích nên cần phải năng động, sáng tạo trong thực hiện tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ.

 

Các cựu chiến binh Mỹ đến thăm, tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Thẩm (Nha Trang).

Các cựu chiến binh Mỹ đến thăm, tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Thẩm (Nha Trang).

 

Việc vận động quỹ trong thời gian tới sẽ gặp khó do dịch Covid-19, thiên tai diễn biến phức tạp, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa phát triển, vì vậy, hội sẽ nghiên cứu đưa ra những giải pháp phù hợp. Trong đó, các địa phương thành lập chi hội liên xã, phường và vận động những nhà hảo tâm tham gia; phát động phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”; đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với con người và các biện pháp phòng tránh. Cùng với đó, tăng cường vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; kêu gọi, kết nối cộng đồng xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, kịp thời thăm hỏi, động viên nạn nhân chất độc da cam để tiếp thêm nghị lực cho họ vươn lên trong cuộc sống. Các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho hội và thường xuyên chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam.


- Xin cảm ơn ông!


Văn Giang
(Thực hiện)