Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong phần tầm nhìn và định hướng phát triển đã nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn trong giai đoạn tới.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong phần tầm nhìn và định hướng phát triển đã nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn trong giai đoạn tới. Trong đó, nội dung thứ hai khẳng định: “… Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Ở nội dung này, đề nghị bổ sung yếu tố bảo vệ môi trường vào bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là: “… Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường là trung tâm…” để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Như chúng ta đã biết, phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế (quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (quan trọng nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm), bảo vệ môi trường (quan trọng nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, phòng, chống cháy và chặt phá rừng, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Như vậy, bảo vệ môi trường là yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển, là một trong những nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững. Trong khi đó, lĩnh vực bảo vệ môi trường thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong báo cáo chính trị như: Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp; vẫn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả; quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên một số mặt còn lỏng lẻo, bất cập; xu hướng chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt trong khai thác tài nguyên chưa được khắc phục; chậm chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tiết kiệm; chất lượng môi trường tiếp tục xuống cấp… Chính vì thế, để nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển, hướng tới phát triển bền vững, trong Báo cáo chính trị cần khẳng định “… Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường là trung tâm…”.
Nguyễn Thị Hồng
(Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang)