Các dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; có kết cấu chặt chẽ, khoa học; vừa có sự kế thừa của các nhiệm kỳ đại hội trước, vừa có những bổ sung mới từ tổng kết thực tiễn những năm qua.
Các dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; có kết cấu chặt chẽ, khoa học; vừa có sự kế thừa của các nhiệm kỳ đại hội trước, vừa có những bổ sung mới từ tổng kết thực tiễn những năm qua. Trong đó, dự thảo Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm, đã đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể các kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Trong phần “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững”, dự thảo Báo cáo Chính trị nêu rõ: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo…”. Đây là định hướng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, kinh tế - xã hội 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức chung về phát triển bền vững đất nước dựa vào tiềm năng biển, đảo hiện chưa đầy đủ; do đó, quy mô phát triển các ngành kinh tế biển ở nhiều địa phương vẫn còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý… Trong khi đó, việc đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp, kém bền vững. Dễ thấy nhất là hầu như tỉnh, thành ven biển nào cũng quy hoạch cảng biển, nhưng không đủ kinh phí xây dựng nên nhiều công trình dang dở; một số địa phương xây dựng cảng nhưng khai thác kém hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi biển còn nhiều yếu kém; dễ thấy nhất là đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản giảm sút, các hệ sinh thái quan trọng bị suy thoái, bị mất và thu hẹp; môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu… Do đó, trong nhiệm kỳ tới, các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư đồng bộ, nhất là về kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng để phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Văn Dũng
(Xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang)