10:10, 02/10/2020

Nha Trang cất cánh

Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP. Nha Trang, những năm qua, TP. Nha Trang tiếp tục có những bước phát triển tích cực, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch - dịch vụ xứng tầm vị thế đô thị trung tâm của tỉnh.

 

Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP. Nha Trang, những năm qua, TP. Nha Trang tiếp tục có những bước phát triển tích cực, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch - dịch vụ xứng tầm vị thế đô thị trung tâm của tỉnh.


Trung tâm Du lịch

 
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, những năm qua, hoạt động du lịch ở Nha Trang, nhất là du lịch biển, đảo tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án về du lịch được triển khai trên địa bàn. Đến nay, thành phố thu hút 130 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư gần 71.614 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án nằm dọc đường Trần Phú, đường Phạm Văn Đồng, khu vực tây nam đảo Hòn Tre, đảo Hòn Một...; trong đó, 38 dự án du lịch đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 47.644 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư bài bản; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng đã thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến với thành phố biển ngày càng tăng nhanh. Đến cuối năm 2019, thành phố đã đón 6,5 triệu lượt khách (tăng 55%), trong đó có gần 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 181,9% so với năm 2016. Năm 2019, doanh thu du lịch trên địa bàn Nha Trang đạt gần 24.259 tỷ đồng, tăng 211,2% so với năm 2016. Doanh thu hoạt động du lịch thực hiện năm 2019 chiếm 85,7% và ước năm 2020 chiếm 85,5% tổng doanh thu du lịch toàn tỉnh (năm 2020 giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19).

 

Hình thành nhiều khu đô thị mới


Với vị trí đô thị trung tâm, có tính động lực, lan tỏa và kết nối, trên địa bàn thành phố, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, góp phần tạo động lực phát triển chung đối với toàn tỉnh, như: Đường Nha Trang - Đà Lạt, đoạn Nha Trang - Diên Khánh, đường Phong Châu, đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, đường Trần Nhật Duật nối dài, đường số 4… Hiện nay, UBND tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án trọng điểm, đang triển khai thi công như: Đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội (đường Vành đai 2); các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, đường Tô Hiến Thành nối dài; một số dự án khác đang thực hiện lập thiết kế bản vẽ thi công và giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công như: Tỉnh lộ 3, đường D30… Bên cạnh đó, nhiều dự án về hạ tầng đô thị, hạ tầng khu tái định cư, hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

 

Một góc TP. Nha Trang.

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: Vương Mạnh Cường

 

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra mạnh mẽ với sự hình thành nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại như: VCN Phước Hải, VCN - Phước Long I, VCN - Phước Long II, An Bình Tân, Lê Hồng Phong I, Lê Hồng Phong II, Mỹ Gia... đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật khớp nối đồng bộ với đô thị hiện hữu, chuyển sang khai thác kinh doanh đã góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực phía tây thành phố. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang tích cực đẩy nhanh triển khai như: Khu dân cư phường Ngọc Hiệp, Khu dân cư cồn Tân Lập... và các khu dân cư, khu đô thị phía tây Nha Trang kết nối với Diên Khánh như: Khu dân cư NVT, Khu dân cư Hưng Thịnh, Khu đô thị Phúc Khánh 1-2… nhằm giãn dân nội thành, hình thành các đô thị vệ tinh và phát triển du lịch ven sông.


Cần những giải pháp đột phá


Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy còn một số hạn chế: Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách triển khai chậm tiến độ hoặc sai phạm trong xây dựng chưa được giải quyết dứt điểm. Việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gặp khó khăn dẫn đến quá trình triển khai thi công dự án bị kéo dài. Công tác quản lý trật tự đô thị còn nhiều bất cập, tình trạng xây dựng không có giấy phép chiếm tỷ lệ cao tại một số xã, phường. Công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự gia tăng các phương tiện giao thông đường bộ, việc bố trí quỹ đất cho giao thông tĩnh gặp nhiều khó khăn… Những tồn tại, hạn chế này cần những giải pháp động bộ và quyết liệt khắc phục trong giai đoạn tới.


Theo ông Lê Hữu Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang, để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế với định hướng tiếp tục xây dựng và phát triển TP. Nha Trang là vùng động lực phát triển của tỉnh về kinh tế - xã hội, thành phố phải khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ và có tính đột phá. Xác định Nha Trang là thành phố du lịch, phát triển kinh tế - xã hội trên nền của một đô thị du lịch hiện đại, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng; đảm bảo môi trường (cả môi trường tự nhiên và xã hội); đa dạng sản phẩm du lịch, đi kèm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho từng loại hình sản phẩm; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực (về quản lý và lao động), nâng cao dân trí; bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu và các nội dung theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.


Nam Du