Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về: giám sát việc thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi...
Sáng 8-4, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Dự hội nghị có ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về: giám sát việc thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; cách thức thi hành án tử hình; chế độ giáo dục đối với phạm nhân dưới 18 tuổi; tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù...
Một số ý kiến còn băn khoăn có nên hay không nên hạn chế việc hưởng tất cả quyền con người của phạm nhân; việc cải tạo của một số phạm nhân có thể thực hiện tại khu sản xuất ngoài trại giam hay bắt buộc trong trại giam; nên để UBND cấp xã hay công an cấp xã trực tiếp quản lý việc chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Một số điều luật còn quá dài, khái niệm chưa rõ ràng, chồng lấn giữa luật hình thức và luật nội dung; nên cân nhắc để Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung như chế độ biểu dương, khen thưởng phạm nhân…
Ông Lê Xuân Thân ghi nhận các ý kiến và đề nghị bộ phận tổng hợp tập hợp để gửi đến Văn phòng Quốc hội.
Được biết, dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 16 chương, 209 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2020.
N.V