04:02, 25/02/2019

Cùng bộ đội biên phòng bám biển

Đối với ngư dân, việc vươn khơi khai thác ở các ngư trường truyền thống như: Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 không chỉ giúp họ làm giàu từ biển, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối với ngư dân, việc vươn khơi khai thác ở các ngư trường truyền thống như: Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 không chỉ giúp họ làm giàu từ biển, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Vươn khơi làm giàu


Buổi sáng, trên cảng Hòn Rớ, ngư dân Huỳnh Văn Ký (Hòn Rớ, TP. Nha Trang), chủ tàu KH 93817TS cùng bạn thuyền tất bật chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới. Ông cho biết, chuyến vươn khơi đầu năm Kỷ Hợi, 80% tàu khai thác xa bờ cập cảng Hòn Rớ đều đạt sản lượng cao, số còn lại lãi ít cũng được 20-30 triệu đồng. Riêng 5 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương của gia đình ông đều trúng lớn trong chuyến biển vừa qua, chiếc ít được 40 con, chiếc nhiều được 55 con, giá bán cá cao nên sau khi trừ chi phí mỗi tàu lãi ròng hơn trăm triệu đồng. Các ngư trường Trường Sa, DK1 đang tập trung luồng cá nên các tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài đều tất bật vươn khơi trở lại, hy vọng chuyến biển tới ngư dân sẽ tiếp tục trúng lớn.

 

Vươn khơi khai thác trên tuyến biên giới biển giúp ngư dân vươn lên làm giàu,  góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Vươn khơi khai thác trên tuyến biên giới biển giúp ngư dân vươn lên làm giàu, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Ngư dân kỳ cựu Võ Ngọc Tùng (Hòn Rớ), hiện là Ủy viên Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng cho biết, những năm gần đây, nhờ biển thuận, lại có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn để đóng tàu 67. Hiện tại, ông có 2 tàu cá hành nghề lưới cản khơi, các chuyến biển trong năm 2018 và 2 chuyến biển đầu năm 2019 đều đạt sản lượng bình quân 15-20 tấn/tàu, hiệu quả đạt cao. Không riêng gì tàu của gia đình ông, hầu hết tàu cá trong Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng đều làm ăn hiệu quả. Điều này đã kích thích ngư dân vươn khơi bám biển để làm giàu từ nghề khai thác xa bờ.


Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, những năm gần đây, Khánh Hòa tập trung phát triển đội tàu khai thác xa bờ công suất lớn, hiện đại. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 tàu cá công suất lớn tham gia khai thác trên tuyến biên giới biển, ngư trường của ngư dân Khánh Hòa tập trung chủ yếu ở Trường Sa, Hoàng Sa, DK1 kéo dài đến giáp ranh với biên giới biển của các nước trong khu vực. Nghề khai thác xa bờ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều ngư dân đã vươn lên làm giàu từ nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới cản khơi khai thác cá ngừ sọc dưa… Được biết, thông qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Khánh Hòa sẽ tiếp tục hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ để đáp ứng điều kiện khai thác trên các vùng biển xa, vùng viễn dương. Để đồng hành với ngư dân, ngành thủy sản sẽ tiếp tục củng cố 9 nghiệp đoàn, 167 tổ hợp tác nghề cá, nhân rộng, xây dựng thêm các chuỗi liên kết trong khai thác tiêu thụ cá ngừ. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyến biển, kết nối để ngư dân cùng doanh nghiệp làm giàu từ nghề khai thác xa bờ.


Góp phần khẳng định chủ quyền


Những năm qua, ngư dân Khánh Hòa đã có mặt khắp các vùng biển xa, góp phần cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Các ngư dân cho biết, trong mỗi chuyến biển của họ đều có sự đồng hành, hỗ trợ của lực lượng BĐBP, trực tiếp là Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòn Rớ (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang).

Ngư dân Võ Ngọc Tùng cho biết: “Anh em BĐBP thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Khi Nhà nước có quy định gì mới, cán bộ trạm đều tuyên truyền, hướng dẫn kỹ cho chúng tôi, đơn cử như quy định về cấm khai thác thủy sản bất hợp pháp, khai thác xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Cùng với Chi cục Thủy sản, cán bộ biên phòng còn tuyên truyền đến từng tàu cá trong và ngoài tỉnh. Khi gặp sự cố trên biển, chúng tôi cũng nghĩ ngay đến cán bộ biên phòng để nhờ giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn. Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Hòn Rớ cũng rất nhiệt tình hỗ trợ ngư dân khi kiểm tra, xác nhận xuất, nhập cảng… BĐBP thực sự là điểm tựa cho ngư dân bám biển”.


Thiếu tá Ngô Ngọc Sơn - cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòn Rớ cho biết, hiện nay, trạm quản lý hơn 400 phương tiện khai thác thủy sản tại khu vực Hòn Rớ, trong đó có hơn 200 tàu cá xa bờ. Những năm qua, giữa trạm và ngư dân Hòn Rớ luôn có sự gắn kết quân dân thắm thiết. Cộng đồng ngư dân Hòn Rớ khi khai thác trên biển mỗi khi phát hiện tình hình, dấu vết tàu lạ… đều liên lạc, báo về cho trạm để giúp BĐBP nắm bắt, quản lý, bảo vệ an ninh, chủ quyền trên tuyến biên giới biển được tốt hơn.


Thượng tá Trần Quốc Toản - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ: “Mỗi lần nhìn các phương tiện của ngư dân chuẩn bị ra khơi; nhìn những lá cờ Tổ quốc tung bay trên tàu cá của ngư dân Khánh Hòa, tôi đều mường tượng mỗi tàu cá chính là một cột mốc trên tuyến biên giới biển. Sự hiện diện của ngư dân Khánh Hòa khắp các vùng  biển Hoàng sa, Trường Sa, thềm lục địa phía nam sẽ góp phần cùng với BĐBP, bộ đội hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.


BÍCH LA