Nhằm nâng cao hiệu quả công tác, những năm gần đây, Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã bám sát chỉ đạo của ngành, luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần vào thành tích chung của cơ quan.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác, những năm gần đây, Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Khánh Hòa đã bám sát chỉ đạo của ngành, luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần vào thành tích chung của cơ quan.
Áp lực công việc
Ở Phòng 7, không khí thường ngày là kiểm sát viên (KSV) mải miết đọc những chồng án dày cộp, hoặc say sưa tranh luận từng căn cứ áp dụng trong vụ án. KSV Nguyễn Ngọc Thắng - Trưởng Phòng 7 cho biết, hiện nay, phòng có 5 người, gồm 4 KSV trung cấp và 1 kiểm tra viên. Mỗi năm, phòng phải giải quyết hàng trăm vụ án phúc thẩm nên công việc rất áp lực. Vào tháng 8 và 9, khi tòa án chuẩn bị kết thúc năm công tác, áp lực này còn lớn hơn. Riêng năm 2016, phòng nghiên cứu giải quyết hơn 300 vụ án trong khi 1 KSV được tăng cường cho VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, nên nhân lực càng thiếu hụt, KSV phải làm ngoài giờ.
Tuy vậy, Đảng ủy, lãnh đạo cơ quan đã điều động nhân sự bổ sung, động viên phòng tích cực công tác và ưu tiên đầu tư mọi trang thiết bị cần thiết. Thực hiện Chỉ thị số 08, 09 của Viện trưởng VKSND Tối cao, phòng chủ động xây dựng chương trình công tác năm, lấy việc tăng cường kháng nghị làm khâu đột phá và lấy tranh tụng làm chìa khóa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Sau phiên tòa, KSV trực tiếp lập phiếu kiểm sát bản án; xem xét, đối chiếu giữa kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa với kết luận, phần nhận định, quyết định của hội đồng xét xử và các nội dung trong bản án như: tội danh, hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, áp dụng điều luật; so sánh áp dụng luật cũ và mới, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm. Gần 2 năm qua, các KSV đã thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm 523vụ/675 bị cáo, kháng nghị phúc thẩm 32 vụ/42 bị cáo (riêng Phòng 7 kháng nghị 17 vụ/24 bị cáo). Kết quả xét xử cho thấy, tỷ lệ chấp nhận kháng nghị của tòa luôn ở mức cao. Đối với 17 vụ có báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm 6 vụ, còn lại đang giải quyết.
Ngoài ra, mỗi năm, qua kiểm sát hơn 1.000 bản án hình sự, phòng đã phát hiện nhiều sai phạm trong đánh giá chứng cứ, áp dụng luật… để kịp thời kháng nghị phúc thẩm, hoặc đề xuất báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm nếu quá hạn kháng nghị. Những sai phạm nhỏ được kiến nghị chung hoặc thông báo rút kinh nghiệm. Phòng còn tham gia chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử đến VKSND cấp huyện; tham mưu lãnh đạo chỉ đạo VKSND cấp huyện phối hợp với tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; viết bài, trao đổi nghiệp vụ gửi trang web của VKSND tỉnh, trong đó có nhiều chuyên đề chuyên sâu về nâng cao năng lực tranh tụng; giải pháp phòng, chống oan, sai; áp dụng quy định mới…
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Để hoàn thành nhiệm vụ, KSV đều nghiên cứu kỹ hồ sơ, lập hồ sơ kiểm sát xét xử án hình sự đúng quy định; kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử; chuẩn bị tốt dự thảo kết luận giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, KSV chủ động tham gia xét hỏi, nâng cao chất lượng tranh tụng. Phòng cũng mở sổ theo dõi tình hình chấp hành pháp luật trong xét xử phúc thẩm án hình sự, báo cáo giám đốc thẩm, nhập dữ liệu thống kê án có kháng cáo, kháng nghị; từ đó tổng hợp vi phạm để tham mưu lãnh đạo kháng nghị, kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm.
Từ đầu năm đến nay, trong 17/19 vụ có kháng nghị đã xét xử, trừ 1 vụ viện rút kháng nghị, 15 vụ được tòa chấp nhận kháng nghị. Phòng đã đề xuất báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm 7 vụ; đăng 6 bài viết trao đổi nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp huyện 9 vụ; kiến nghị chánh án Tòa án nhân dân tỉnh 3 vụ.
Bên cạnh áp lực công việc, KSV của phòng còn chịu nhiều áp lực tâm lý. Bởi khi có kháng cáo, kháng nghị, dù theo hướng tăng nặng, giảm nhẹ hay sửa, hủy án; bên cạnh phía được xem xét giảm nhẹ hoặc tăng bồi thường, sẽ có phía bị bất lợi hơn so với án sơ thẩm đã tuyên, nên không tránh khỏi bức xúc. Tuy nhiên, lãnh đạo VKSND tỉnh và Phòng 7 luôn quán triệt tinh thần: Tất cả nhằm tiệm cận sự thật khách quan của vụ án, không vì mục đích thành tích đơn vị hay cá nhân. Các KSV đều tận tâm, trách nhiệm, có tinh thần bảo vệ pháp luật cao; kiên quyết đề nghị tòa hủy án nếu bản án vi phạm tố tụng, đánh giá chứng cứ sơ sài, phiến diện, có khả năng oan, sai, bỏ lọt. “Không phải ai cũng hiểu chúng tôi nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để nâng cao uy tín của ngành và đơn vị. Khi kháng nghị, đề nghị được tòa chấp nhận, có thể làm ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị, cá nhân khác, hoặc có thể KSV bị thù ghét, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực vì sự thật khách quan của vụ án”, một KSV Phòng 7 tâm sự.
NGUYỄN VŨ
Nhiều năm liền, Phòng 7 được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc. Hàng năm, Phòng 7 đều có KSV được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2012, Phòng 7 được tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối. Tập thể phòng và các cá nhân nhiều lần được nhận bằng khen của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch UBND tỉnh...
_______________________________________________
Ông Nguyễn Thanh Hào - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh: Phòng 7 có số KSV không nhiều trong khi công việc ngày càng tăng nên áp lực rất lớn. Vì vậy, lãnh đạo cơ quan luôn kịp thời chỉ đạo, động viên phòng nỗ lực với quan điểm đặt sự thật khách quan lên trên hết. Mấy năm gần đây, kết quả công tác của Phòng 7 có nhiều chuyển biến, góp phần vào thành tích chung của cơ quan. Vừa qua, VKSND Tối cao đã biểu dương Khánh Hòa là một trong các tỉnh, thành có tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận cao.