Những ngày này, mọi tâm hồn Việt ở Khánh hòa hướng tới xứ sở Bạch dương lại xao xuyến, bởi trái tim của nhiều thế hệ người Việt luôn nồng ấm tình yêu với nước Nga.
Những ngày này, mọi tâm hồn Việt ở Khánh hòa hướng tới xứ sở Bạch dương lại xao xuyến, bởi trái tim của nhiều thế hệ người Việt luôn nồng ấm tình yêu với nước Nga.
Ấm tình hữu nghị Việt - Nga
Sau 7 năm học tập ở xứ sở Bạch dương, tình yêu với nước Nga đã thôi thúc cô giáo Phan Thúy Phương (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang) tham gia Hội Hữu nghị Việt - Xô TP. Nha Trang (tiền thân của Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh hiện nay) từ ngày đầu thành lập (năm 1980). “Tôi không quên các cô giáo Nga luôn lo lắng cho học trò Việt Nam, tận tình chăm sóc khi chúng tôi ốm như mẹ chăm con. Tôi cũng không quên được những mùa đông Nga tuyết trắng xóa, hay mùa thu với thảm lá vàng óng… Nước Nga còn là nơi chứa đựng bao kỷ niệm giữa tôi và chồng. Với tôi, kỷ niệm về nước Nga gắn liền với cả thời tuổi trẻ”, cô Phương chia sẻ. Về Khánh Hòa, mỗi dịp Noel, năm mới, cô Phương lại tham gia biểu diễn những bài hát Nga. Bao năm đã qua, nhưng mỗi lần dự kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, được hát những ca khúc Nga da diết, sôi nổi, được chia sẻ tâm tình với những người bạn, cô vẫn bồi hồi. Vừa qua, cô có dịp trở lại Nga, kỷ niệm lại ùa về… Tình yêu nước Nga đã được cô truyền cho nhiều thế hệ học trò qua những bài hát, câu chuyện về nước Nga, con người, văn hóa Nga.
Với bà Nguyễn Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh, tình yêu nước Nga không chỉ là ký ức về cuộc sống Liên Xô (trước đây, nay là Liên bang Nga), nơi bà lần đầu đi tàu lửa tới học Trường Đại học Thể thao Moscow (năm 1960). 4 lần tới Nga là 4 lần bà thấy quốc gia này thay đổi, phát triển mạnh mẽ. Nhưng phong cảnh nước Nga thì vẫn vậy, mê hoặc bà như lần đầu đặt chân tới. Và những người bạn Nga vẫn luôn cởi mở, nồng hậu, thân thiện chờ đón bà. Tình cảm với nước Nga dường như đã lắng sâu trong tâm hồn bà và nhiều du học sinh người Việt ở Nga.
Chính vì vậy, từ năm 1980, với tư cách Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt - Xô TP. Nha Trang, bà đã cùng các hội viên miệt mài gắn kết tình hữu nghị Việt - Nga thông qua những hoạt động của hội. Sau khi thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh (năm 2007), là Chủ tịch Hội, bà Thanh càng có điều kiện củng cố tình hữu nghị này. Hội đã phối hợp với UBND tỉnh xây dựng Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nga và Việt Nam hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực tại TP. Cam Ranh với sự tài trợ của Vietsovpetro; cùng Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Tổng Lãnh sự Nga tổ chức điểm bầu cử Tổng thống Nga dành cho công dân Nga lưu trú tại Khánh Hòa; phối hợp mở các lớp dạy tiếng Nga cho người Việt. Từ 40 đến 50 hội viên ban đầu, đến nay, hội quy tụ 200 hội viên là người Việt đang ở Khánh Hòa, có chung tình yêu nước Nga. Các hoạt động của hội cũng luôn có sự tham gia của những người Nga ở Khánh Hòa và từ Nga sang. Họ gặp nhau không chỉ trong dịp kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức (9-5), kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11) hàng năm, mà còn tại buổi gặp mặt đầu năm mới; hoặc gặp thân thiết tại một quán cà phê nhỏ, tại nhà riêng nhân dịp sinh nhật, khai trương… Họ nhớ đến nhau qua những món quà nho nhỏ của 2 nước mỗi khi chuẩn bị sang Nga hay tới Khánh Hòa. Từ năm 2008 đến nay, những đoàn võ thuật của các nước thuộc Liên Xô (trước đây) đến Nha Trang đều được hội tích cực hỗ trợ, giúp đỡ về chỗ ăn ở, tập luyện, thậm chí hội còn tham gia cổ vũ, phục vụ đoàn dự các giải đấu quốc tế hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh. Tương tự, các bạn Nga ở Nha Trang, đặc biệt là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cũng hết lòng ủng hộ các hoạt động của hội. Ông Lý Bá Lin - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh cho biết, Ban Chấp hành Hội, đặc biệt là thường trực Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh không thụ động chờ bạn đến với ta mà luôn chủ động tìm đến bạn bè quốc tế để trao đổi văn hóa, tình hữu nghị và sự giúp đỡ đầy nhiệt huyết.
Ngọn lửa vĩnh cửu
Tình yêu nước Nga không chỉ có ở những người từng học tập, công tác tại Nga, mà có những người chỉ biết đến nước Nga qua lời kể của các thế hệ cha anh, hoặc tiếp cận qua tài liệu cũng có tình cảm ấm áp với nước Nga. Bà Nguyễn Thị An cho biết, tuy chưa từng sang Nga, nhưng những bài hát Nga đã làm nảy nở trong bà tình yêu nước Nga. Bà cũng say mê những câu thơ thể hiện sự bi thương nhưng hào hùng, lạc quan trong bài Đợi anh về của Simonov; hình dung được một nước Nga thơ mộng qua thơ của Esenin. 5 năm tham gia Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh, bà An luôn có mặt trong các buổi giao lưu, tự hào hát những bài hát Nga như: Đôi bờ, Chiều hải cảng, Cây thùy dương, Nước Nga tổ quốc tôi, Kachiusa…
Cô Lê Hoàng Việt Nga (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 1) chia sẻ đầy tự hào: “Tên của tôi được đặt ghép từ tên 2 nước Việt, Nga để kỷ niệm tình yêu của cha mẹ tôi với nước Nga”. Cha mẹ cô Nga đều là du học sinh ở Nga. Tình yêu của họ nảy sinh và được nuôi dưỡng ở xứ sở Bạch dương. Và kết quả của tình yêu là đám cưới hạnh phúc khi họ trở về Việt Nam, rồi sinh ra cô. Suốt những năm tháng tuổi thơ, cô luôn được sống trong tình yêu nước Nga của cha mẹ, được tiếp xúc với những người Nga tới Nha Trang thăm gia đình cô. Hiện giờ, cô vẫn còn giữ được con lật đật - món quà mẹ tặng sau một chuyến đi Nga. Cô luôn ao ước được một lần đến Nga, trải nghiệm tình yêu nước Nga của cha mẹ.
Trở về sau chuyến tham quan Liên bang Nga (phần thưởng của Giải Lớn trong cuộc thi vẽ lần thứ 2 “Em yêu Việt Nam - Em yêu nước Nga” năm 2016), Lê Trần Thùy Minh (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tân Lập 1) cho biết, khi vẽ bức “Tình bạn Nga - Việt”, em chưa từng tới nước Nga, nhưng qua ti vi, Internet, báo Nhi Đồng và lời kể của cha mẹ, em cảm thấy nước Nga rất đẹp, các bạn thiếu niên Nga rất vui vẻ, cởi mở, và em muốn thể hiện điều đó qua tranh. Sau khi tham quan Nga, em cảm thấy đất nước này còn tuyệt vời hơn: phong cảnh tuyệt đẹp, nhiều công trình xây dựng vĩ đại, người dân thân thiện. “Em thấy yêu nước Nga hơn nhiều. Nhất định, em sẽ vẽ nhiều bức tranh nữa về nước Nga”, Minh cho biết.
Tình yêu nước Nga như ngọn lửa luôn được “tiếp đuốc” trong các thế hệ người Việt ở Khánh Hòa, bởi nền móng của tình hữu nghị Nga - Việt chính là Cách mạng Tháng Mười.
THIỀU HOA