08:11, 18/11/2017

Không được chủ quan với bão số 14

Có mặt tại TP. Cam Ranh vào chiều ngày 18-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lien tục dặn dò chính quyền địa phương không được chủ quan với cơn bão số 14, đặc biệt là vấn đề di dời lao động ngoài lồng, bè vào đất liền an toàn.

Có mặt tại TP. Cam Ranh vào chiều ngày 18-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên tục dặn dò chính quyền địa phương không được chủ quan với cơn bão số 14, đặc biệt là vấn đề di dời lao động ngoài lồng, bè vào đất liền an toàn.

Đảm bảo không còn lao động ngoài biển

Ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước thông tin bão số 14 đang tiến vào đất liền ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong đó có Khánh Hòa, ngay trong buổi sáng, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp và bàn các giải pháp để ứng phó cơn bão số 14. Rút kinh nghiệm việc triển khai ứng phó cơn bão số 12, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bão, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến nhân dân diễn biến, mức độ của cơn bão bằng nhiều hình thức khác nhau: thông tin đại chúng, viễn thông, trực tiếp đến nhà dân. Yêu cầu các địa phương cần có cơ chế giám sát liên tục đối với việc triển khai chống bão.

Lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình phòng chống bão số 14 với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình phòng chống bão số 14 với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 211 tàu cá với hơn 1.230 thuyền viên đang hoạt động tại khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa, khu vực phía Nam và ven biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Các phương tiện này đã biết được thông tin có bão và được hướng dẫn vào nơi trú ẩn an toàn. Sau bão số 12, hiện toàn tỉnh chỉ còn 661 lồng bè, chủ yếu của TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang. Tỉnh đã yêu cầu địa phương khẩn trương vận động sơ tán người dân vào trước 16 giờ cùng ngày; kiên quyết cưỡng chế, không để bà con quay trở lại ra biển. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao ven sông, ven biển, các huyện, thị xã, thành phố sớm có biện pháp sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 19 giờ cùng ngày.

Làm với Khánh Hòa vào chiều ngày 18-11, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, bão số 14 có thể không mạnh đến cấp 12 nhưng đêm nay có một đám mây giông lớn, ảnh hưởng đến hồ chứa, các địa phương cần lưu ý để nắm được thông tin, có hướng xử lý kịp thời. Còn theo Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 14 đi qua nam Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đường đi ổn định nên khả năng Cam Ranh sẽ ảnh hưởng nặng nhất của Khánh Hòa. Vì vậy địa phương cần phải kiểm soát bà con có quay trở lại lồng bè hay không, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, toàn bộ khách du lịch phải vào bờ. “Địa phương phải cố gắng làm thật tốt để không xảy ra những đáng tiếc về người, đề phòng những trường hợp bất trắc. Đồng thời các địa phương cần bám chắc tình hình dự báo mới của cơ quan chức năng, đảm bảo an toàn các hồ chứa, trong đó Khánh Hòa lưu ý đến hồ Đá Bàn để có hướng điều tiết hợp lý”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng chỉ đạo.

Chỉ đạo công tác phòng chống bão số 14 tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu địa phương cần rà soát lại phương tiện tàu thuyền ở vùng biển mà bão sẽ đi vào, không để bất cứ tàu thuyền nào ngoài biển. Đồng thời cần phải đưa toàn bộ lao động ngoài biển vào bờ an toàn; quan tâm di dời, sơ tán khẩn cấp dân ra khỏi vùng có nguy cơ mất an toàn như: khu vực lồng bè, nơi ngập sâu, công trình nhà yếu. Địa phương phải hướng dẫn người dân gia cố bảo vệ lồng bè tại các khu nuôi trồng thủy sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ; bảo vệ các công trình yếu, chằng chống nhà cửa; cử cán bộ trực tiếp đến vận động người dân chủ động trong phòng chống bão, không để người dân chủ quan với bão. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương bảo đảm an toàn hồ đập và có phương án điều tiết hợp lý, tránh thiệt hại cho người dân.

 

Cam Ranh hoàn thành di dời 2.240 người

Đến 19 giờ 30 phút ngày 18-11, ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, thành phố đã hoàn thành di dời 630 hộ dân với 2.246 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, phường Cam Nghĩa đã hoàn tất di dời 546 người, xã Cam Thịnh Tây di dời xong 530 người, phường Cam Phú 150 người. Riêng xã Cam Phước Đông có 193 người nằm trong khu vực nguy hiểm cần di dời nhưng người dân chưa chịu chấp hành. Người dân cho biết sẽ di dời đến nhà người than nằm ở khu vực kiên cố, an toàn. Địa phương sẽ tiếp tục vận động, giám sát, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế trong tối cùng ngày. Trong khi đó, toàn bộ người dân và lao động trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản đã được chính quyền vận động vào bờ trú bão. Chỉ còn 20 người ở phường Cam Phúc Nam vẫn không chấp hành. Hiện Bộ đội biên phòng Cam Ranh đang tiến hành vận động, nếu không vào sẽ cưỡng chế để đảm bảo tính mạng.

Cán bộ vùng 4 Hải quân vận động người dân phường Cam Nghĩa chằng chống nhà cửa trước cơn bão số 14
Cán bộ vùng 4 Hải quân vận động người dân phường Cam Nghĩa chằng chống nhà cửa trước cơn bão số 14

Chiều ngày 18-11, toàn TP. Cam Ranh hối hả thực hiện các biện pháp phòng chỗng bão số 14. Tại phường Cam Nghĩa, gần 100 chiến sỹ thuộc Trung tâm huấn luyện 456 (Vùng 4 Hải Quân) đã ra quân giúp người dân chằng chống nhà cửa. Các chiến sĩ đi kiểm tra từng nhà, thấy nhà nào mái tôn yếu liền xúc cát vào bao chèo lên chằng chống cẩn  thận. Trung tâm huấn luyện 456 còn chờ theo một xe tải cát để phục vụ việc gia cố nhà cửa cho các hộ dân. Tại phường Cam Phú, Cam Lộc… dân quân tự vệ cũng đi đến từng hộ dân yêu cầu gia cố nhà cửa, không chủ quan với bão.

Bộ đội Vùng 4 Hải quân phối hợp với phường Cam Nghĩa chở cát gia cố nhà cho người dân
Bộ đội Vùng 4 Hải quân phối hợp với phường Cam Nghĩa chở cát gia cố nhà cho người dân

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, từ sáng ngày 18-11, thành phố đã triển khai các biện pháp tuyên truyền đến các hộ dân, ngư dân nuôi trồng thuỷ sản, chủ các tàu thuyền. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, toàn bộ tàu thuyền của Cam Ranh đã về 8 khu vực tránh trú bão an toàn. “Thành phố đã cử cán bộ tăng cường đến từng xã, phường để túc trực vận động người dân không được lơ là, chủ quan. Đặc biệt đối với những hộ dân nuôi trồng thuỷ sản, thành phố sẽ giám sát không cho họ quay lại bè, tránh xảy ra những sự cố đau lòng”, ông Dũng nói.

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG