Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 17 Bộ Chính trị (ngày 28-8-2012), các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh luôn bám sát lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện cho các hội quần chúng hoạt động theo hướng thiết thực, ý nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 17 Bộ Chính trị (ngày 28-8-2012), các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh luôn bám sát lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện cho các hội quần chúng hoạt động theo hướng thiết thực, ý nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bám sát lãnh đạo, định hướng
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay, toàn thị xã có 11 tổ chức hội quần chúng với hơn 50.200 hội viên (HV), trong đó có 5 hội đặc thù và 6 hội tự nguyện. Để các hội hoạt động theo đúng quy định pháp luật, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn bám sát kịp thời chỉ đạo, định hướng hoạt động, ổn định bộ máy tổ chức hội. UBND thị xã luôn xác định các hội là cầu nối để đưa những quy định của pháp luật và thực thi pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, thị xã đều hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng cho 11 hội quần chúng hoạt động. Nhờ đó, các hội luôn phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của HV, người dân; các hoạt động luôn hướng về cộng đồng, được người dân tin tưởng đánh giá cao.
Huyện ủy, UBND huyện Cam Lâm cũng luôn bám sát lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho 11 tổ chức hội quần chúng với hơn 33.000 HV. Bên cạnh đó, huyện Cam Lâm còn phân công trách nhiệm cho từng lãnh đạo, phòng, ban chuyên môn theo dõi, giúp đỡ cho các hội hoạt động; luôn định hướng hoạt động của các hội phải hướng đến chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho HV, nhân dân. Đặc biệt, các hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của HV và trở thành điểm sinh hoạt ý nghĩa, lành mạnh. Chính nhờ đó, các hội luôn hoạt động theo đúng quy định, điều lệ, thu hút, tập hợp được đông đảo người dân tham gia…
Ông Cao Ngọc Tâm - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 17, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện chỉ thị sâu rộng. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức học tập và ban hành các văn bản thực hiện phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị; kịp thời định hướng đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các hội quần chúng. Đến nay, toàn tỉnh có 112 tổ chức hội quần chúng với 455.631 HV, trong đó có 87 hội cấp tỉnh và 25 hội cấp huyện. Các tổ chức hội luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, bám sát điều lệ hội, hoạt động ổn định và có chiều sâu, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoạt động sôi nổi, thiết thực
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 17 mới đây, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện cho các hội quần chúng hoạt động. Ban dân vận các cấp tăng cường giám sát chặt chẽ bộ máy hoạt động của tổ chức hội. Đối với các hội quần chúng cần đổi mới nội dung và hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả thiết thực hơn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho HV… |
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền nên các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, có thể kể đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh có 35 tổ chức thành viên với hơn 71.500 HV, trong đó có 75% HV là đội ngũ tri thức khoa học, công nghệ. Hàng năm, liên hiệp đều triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao. Các đề tài đó đã được ứng dụng vào thực tiễn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, thay đổi cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Đặc biệt, liên hiệp còn tích cực tham gia phản biện, đóng góp nhiều ý kiến cần thiết cho các dự án, đề án quy hoạch của tỉnh.
Bên cạnh đó, các hội quần chúng còn triển khai nhiều hoạt động hướng đến chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ đối tượng yếu thế trong xã hội. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tích cực vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay giúp đỡ nạn nhân vượt khó. Với sự nỗ lực đó, từ năm 2012 đến nay, hội đã quyên góp được hơn 2,5 tỷ đồng. Để tổ chức tặng hơn 19.500 suất quà, hỗ trợ xây 30 căn nhà và hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 200 gia đình nạn nhân. Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh nhận bảo trợ thường xuyên cho gần 200.000 người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo. Đồng thời, hỗ trợ phẫu thuật thay thủy tinh thể cho hơn 500 người mù, phẫu thuật chỉnh hình cho 110 người; khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 12.000 người; tặng hàng trăm xe lăn, xe lắc, xe đạp và xây hơn 50 căn nhà tình thương cho những đối tượng yếu thế…
Ông Cao Ngọc Tâm cho biết, tuy đạt được kết quả thiết thực, xong ở một số hội quần chúng chưa thực hiện tốt nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động; chưa phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của HV. Ngoài ra, một số hội đã hết nhiệm kỳ nhưng không tổ chức đại hội, không báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hàng năm với cơ quan nhà nước như: Hội Cờ tướng, Hội Kế toán, Liên đoàn Bóng đá, Hội Làm vườn…
VĂN GIANG