10:10, 31/10/2017

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 31-10, Quốc hội bắt đầu thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước...

Sáng 31-10, Quốc hội (QH) bắt đầu thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.


Nội dung thảo luận này được QH tiến hành trong 2,5 ngày, trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.


Các đại biểu QH đều nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được kiên trì thực thi đúng hướng và phù hợp diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, dần thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, theo các đại biểu, ưu điểm thì rất lớn, rất căn bản nhưng bên cạnh đó, bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn nhiều nhược điểm.


Về dự toán ngân sách năm 2018, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục với nhiều vấn đề như: ngân sách Trung ương hạn hẹp, khó khăn trong bố trí cho các công trình dự án quan trọng nhưng hỗ trợ chi đầu tư cho đầu tư địa phương dàn trải, vượt quy định của Luật Ngân sách nhà nước; bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm; thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp triển khai chậm và hiệu quả thấp nên giảm chi ngân sách không cao...


Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao; đẩy nhanh quá trình đổi mới cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để giảm chi ngân sách, đặc biệt phải cân nhắc khoán chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí hoạt động thường xuyên; tăng thu tiết kiệm chi phải ưu tiên giảm bội chi trả nợ; quản lý chặt chẽ việc ký kết và sử dụng vốn vay ODA...


P. V