01:10, 23/10/2017

Kỷ niệm 72 năm ngày Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến

Sáng 23-10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Gặp mặt thân mật kỷ niệm 72 năm ngày Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945- 23-10-2017).

Sáng 23-10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Gặp mặt thân mật kỷ niệm 72 năm ngày Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945- 23-10-2017). Dự buổi gặp mặt có các đại biểu: Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đắc Tài - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Văn Mừng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng các chiến sĩ 23-10.

 

 Ông Nguyễn Tấn Tuân tặng hoa cho Ban liên lạc 23-10 tỉnh Khánh Hòa
Ông Nguyễn Tấn Tuân tặng hoa cho Ban liên lạc 23-10 tỉnh Khánh Hòa
 
 
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã ôn lại những ngày tháng lịch sử hào hùng của cuộc chiến 101 ngày đêm của mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa (23-10-1945 – 1-2-1946).
 
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở rộng chiếm đóng các tỉnh Nam bộ. Đầu tháng 10-1945, Pháp đưa chiến hạm Richelieu đến phong tỏa vùng biển Nha Trang, đổ bộ gần 1.000 quân lên bãi biển phía trước Khách sạn Beau Rivage (nay là Khách sạn Hải Yến), tổ chức chiếm các vị trí then chốt trong thị xã nhằm đánh chiếm Nha Trang - Khánh Hòa, cắt đứt đường chi viện của quân dân cả nước cho mặt trân miền Nam.
 
Nhận thấy âm mưu của địch, quân ta chủ động tấn công các mục tiêu quan trọng trong thị xã Nha Trang, sau đó rút ra lập phòng tuyến kìm chân quân địch, không cho chúng mở rộng diện tích chiếm đóng, kiên quyết giữ vững giao thông Bắc - Nam, đảm bảo cho việc chi viện để Nam bộ kháng chiến.
 
Rạng sáng 23-10-1945, quân ta đồng loạt tấn công ga xe lửa, nhà đèn, kho Bình Tân…, mở đầu cho cuộc kháng chiến 101 ngày đêm của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Sau khi có lệnh của cấp trên, ngày 1-2-1946, mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa chuyển vào hoạt động bí mật.

 

 Các chiến sĩ 23-10 thăm hỏi sức khỏe nhau tại buổi gặp mặt
Các chiến sĩ 23-10 thăm hỏi sức khỏe nhau tại buổi gặp mặt
 
Cũng tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã điểm lại quá trình ra đời và hoạt động của Ban liên lạc 23-10. Theo đó, ngày 18-10-1996, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có quyết định cho phép thành lập Ban liên lạc 23-10 tỉnh Khánh Hòa.
 
Trong những năm qua Ban liên lạc 23-10 đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: xuất bản 20 ấn phẩm (hồi ức, thơ, nhạc…) về những ngày Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến; đề xuất xây dựng 10 bia di tích liên quan đến mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa; kết nghĩa với 36 trường học và nhiều đơn vị để nói chuyện giáo dục truyền thống…

 

 Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tặng quà cho các chiến sĩ 23-10
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tặng quà cho các chiến sĩ 23-10
 
Tại buổi lễ, UBND tỉnh đã công bố quyết định về việc chấm dứt hoạt động của Ban liên lạc 23-10 tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, Ban liên lạc 23-10 tỉnh Khánh Hòa đã có đơn xin được chấm dứt hoạt động vì số lượng các chiến sĩ 23-10 không còn nhiều, tất cả đều tuổi cao sức yếu.
 
 
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân đã bày tỏ lòng tri ân đến các chiến sĩ 23-10. Vì Ban liên lạc 23-10 chấm dứt hoạt động, ông Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh tiếp nhận, quản lý và sử dụng số huy hiệu 23-10 đang còn; Sở  Văn hóa – Thể thao tiếp nhận các tư liệu, sách báo, ấn phẩm liên quan đến sự kiện 23-10 để phân loại đưa vào Thư viện tỉnh bảo quản, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu lịch sử của các thế hệ, phối hợp với các địa phương tôn tạo các di tích trong đó có việc trùng tu đình Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa – nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến làm việc vào đầu năm 1946; các địa phương có kế hoạch chăm sóc, thăm hỏi động viên các chiến sĩ 23-10…
 
 
XUÂN THÀNH