Trong khuôn khổ chương trình hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Nam Trung bộ, ngày 7-10, tại Nha Trang, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Khánh Hòa nhằm giới thiệu, trao đổi về tiềm năng, môi trường đầu tư tại Khánh Hòa và cơ hội đầu tư, hợp tác giữa hai bên.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Nam Trung bộ, ngày 7-10, tại Nha Trang, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Khánh Hòa nhằm giới thiệu, trao đổi về tiềm năng, môi trường đầu tư tại Khánh Hòa và cơ hội đầu tư, hợp tác giữa hai bên. Tham dự hội nghị có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh; ngài Umeda Kunio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng nhiều đại diện của các hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản.
Cơ hội đầu tư vào 3 vùng kinh tế trọng điểm
Tại hội nghị, ông Lê Đức Vinh giới thiệu với đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản những tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa; tập trung vào 3 vịnh biển lớn có vị trí chiến lược, giàu tiềm năng là: Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong. Trong đó, vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; vịnh Cam Ranh là vịnh tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á, có điều kiện phát triển dịch vụ cảng biển, du lịch; vịnh Vân Phong là vịnh kín gió có độ sâu trung bình 15 - 22m, có nơi sâu hơn 30m.
Ông Lê Đức Vinh giới thiệu với các nhà đầu tư Nhật Bản định hướng phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đầu tư vào Khánh Hòa. Theo đó, khu vực Nha Trang định hướng sẽ phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp quốc gia, quốc tế; hình thành nên các trung tâm tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, mạng lưới các siêu thị, trung tâm dịch vụ tổng hợp, dịch vụ thông tin, dịch vụ nhà hàng khách sạn cao cấp, vận tải biển… Khu vực Cam Ranh tập trung phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp, chất lượng cao, phát triển dịch vụ vận tải biển, vận tải hàng không; thu hút các ngành công nghiệp, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp phụ trợ cảng, phụ trợ đóng tàu, sản xuất năng lượng sạch, chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp may mặc, giày da.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh đã giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật Bản những dự án tỉnh đang xúc tiến, kêu gọi đầu tư, gồm: - Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng 300ha. - Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa 550ha. - Khu công nghiệp Ninh Hải 242ha. - Khu công nghiệp Ninh Tịnh 550ha. - Khu Nông nghiệp công nghệ cao Diên Thọ 18ha. - Khu Nông nghiệp công nghệ cao Suối Tiên 15ha. - Khu Nông nghiệp công nghệ cao Diên Điền 20ha. - Khu Nông nghiệp công nghệ cao Kinh tế mới, Suối Tiên 20ha. |
Đặc biệt, Khu kinh tế Vân Phong được Chính phủ quyết định thành lập năm 2006 với mục tiêu xây dựng khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, cảng trung chuyển container quốc tế và công nghiệp lọc hóa dầu giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Khu kinh tế Vân Phong là trung tâm kinh tế của tỉnh, có vai trò là đầu tàu thu hút đầu tư và động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Đến tháng 9-2017, khu kinh tế đã thu hút 154 dự án (trong đó, có 26 dự án FDI) với tổng vốn 3,48 tỷ USD (tương đương 388,3 tỷ yên), giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động. Hiện nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, khu vực Bắc Vân Phong được quy hoạch thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, với nhiều chính sách ưu đãi cao nhất của Việt Nam; tập trung phát triển các lĩnh vực như: dịch vụ cảng biển, logistics; trung tâm thương mại - tài chính; dịch vụ du lịch cao cấp, giải trí hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ cao.
Phát biểu tại hội nghị, ngài Umeda Kunio đánh giá cao những lợi thế của Khánh Hòa gắn với 3 vịnh biển trên. Đồng thời, kêu gọi các đại diện Nhật Bản quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khánh Hòa; tích cực quảng bá, giới thiệu để ngày càng nhiều người Nhật Bản biết đến vẻ đẹp của Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung.
Cam kết dành ưu tiên hàng đầu cho nhà đầu tư Nhật Bản
Tại hội nghị, ông Hiroyuki Hotta - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BMHI của Nhật Bản cho biết, công ty hợp tác với tổ công tác Nhật Bản của tỉnh trong hỗ trợ đầu tư trực tiếp Nhật Bản vào Khu kinh tế Vân Phong. Theo đó, phía công ty sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu thông tin và cơ hội đầu tư vào Khánh Hòa, đặc biệt là Khu Kinh tế Vân Phong. Trong tháng 11-2017, công ty sẽ phối hợp với Hiệp hội Phát triển đô thị môi trường ASEAN tổ chức hội thảo về xúc tiến đầu tư tại Osaka và Tokyo (Nhật Bản). Theo ông Atsushi Sawada - Giám đốc Khối phát triển năng lượng toàn cầu số 1 Tập đoàn Sumitomo, tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh khi đầu tư vào Khánh Hòa (dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1). Vì thế, doanh nghiệp sẽ tích cực quảng bá về sự hỗ trợ của tỉnh cho nhà đầu tư Nhật Bản để các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm khi đầu tư vào Khánh Hòa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, những ưu đãi cho Vân Phong không chỉ cao nhất Việt Nam mà còn cạnh tranh với các đặc khu trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, tại hội thảo sắp tới tại Nhật Bản, cần giới thiệu Vân Phong như đặc khu chứ không chỉ là khu kinh tế với những đột phá về thể chế, chính sách.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng đã giới thiệu những chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong; đồng thời, giải đáp nhiều câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến đầu tư và phát triển khu kinh tế.
Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng xanh, chất lượng bền vững, ông Lê Đức Vinh cam kết hợp tác phát triển, đồng hành với các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu của tỉnh; các cơ quan chức năng và tổ công tác Nhật Bản của tỉnh sẽ hỗ trợ, kết nối, gắn bó và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Lê Đức Vinh kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tìm hiểu, đầu tư vào Khánh Hòa.
NAM DU - NHÂN TÂM
Lũy kế đến năm 2016, Khánh Hòa có 98 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 2.975 triệu USD. Trong đó, có 7 dự án FDI từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 230 tỷ yên (tương đương 2.051 triệu USD), chiếm 68,94% tổng vốn FDI. Các dự án tập trung vào lĩnh vực sản xuất nhiệt điện, chế biến thực phẩm, hải sản, du lịch.
___________________________________________
Ngày 7-10, các đại biểu tham dự hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Nam Trung bộ đã có chuyến khảo sát thực tế tại Khu kinh tế Vân Phong và Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng. Đồng thời, tham quan danh thắng Hòn Chồng và di tích Tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang).