UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng tại địa phương, các doanh nghiệp cảng liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh...
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng tại địa phương, các doanh nghiệp cảng liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế, kế hoạch phối hợp trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự cảng biển theo Nghị định 77/2017 của Chính phủ. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Đại tá Hồ Thanh Tùng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về công tác này.
- Xin ông cho biết những điểm mới của Nghị định 77 thay thế Nghị định 50 quy định về thủ tục biên phòng trước đây?
- Nghị định 77 đã có những quy định mới tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử và kết nối thực hiện các quy định về cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể là quy định đối với thuyền viên nước ngoài đi bờ; quy định đối với người Việt Nam, người nước ngoài xuống, rời tàu thuyền nước ngoài, người điều khiển phương tiện cập mạn tàu thuyền nước ngoài phục vụ cho việc bốc dỡ hàng hóa trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cảng; quy định về thời hạn khai báo, tiếp nhận hồ sơ, hoàn thành thủ tục biên phòng… Để phù hợp với xu thế chung của các cảng biển trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng về thủ tục đối với tàu thuyền đến, rời cửa khẩu cảng, phù hợp với các tiêu chuẩn và khuyến nghị của Công ước tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế (Công ước FAL 65), các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng, trong đó có BĐBP đã và đang thực hiện chuyển đổi cách thức làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho người, phương tiện đến, rời cảng biển từ thủ công sang điện tử.
- Liên quan đến công tác quản lý an ninh cửa khẩu, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc đăng ký, kiểm soát, kiểm tra, giám sát tàu thuyền và các loại phương tiện thủy khác hoạt động tuyến nội địa đến, rời cửa khẩu cảng?
- Những năm gần đây, nhiều phương tiện thủy nội địa vận chuyển khoáng sản khai báo vận tải nội địa nhưng trên thực tế lại vượt tuyến trái phép qua nước ngoài, không làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa cũng như thủ tục xuất cảnh cho người và phương tiện tại các cửa khẩu cảng. Ngoài ra, tình hình vi phạm pháp luật của các phương tiện hoạt động tuyến thủy nội địa khá phổ biến như: buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép không có hóa đơn, chứng từ, quá tải; chở người sai quy định; thuyền viên, nhân viên phương tiện không có giấy tờ, chứng chỉ về chuyên môn, không đúng với danh sách đăng ký... Vì vậy, việc đăng ký, kiểm soát, kiểm tra, giám sát tàu thuyền và các loại phương tiện thủy khác hoạt động tuyến nội địa đến, rời cửa khẩu cảng là một nội dung nhiệm vụ quan trọng của BĐBP và các lực lượng chức năng nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển.
- BĐBP tỉnh thực hiện công tác phối hợp với các đơn vị khác như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và góp phần khai thác thế mạnh, tiềm năng lợi thế vùng biên giới, cảng biển, ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với BĐBP, chúng tôi tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn tại cửa khẩu để nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như ngoại ngữ cho bộ đội; tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác kiểm soát xuất nhập khẩu đối với các tàu nước ngoài đến cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.
- Xin cảm ơn ông!
NAM HUỆ (Thực hiện)