09:09, 27/09/2017

Phải đánh giá tác động toàn diện khi thành lập đặc khu

Ngày 26 và 27-9, tại Nha Trang, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu).

Ngày 26 và 27-9, tại Nha Trang, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu). Các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó sôi nổi nhất là vấn đề chỉ bố trí Trưởng đặc khu hay tổ chức chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND trong đặc khu?


Trưởng Đặc khu quyền lớn hơn Chủ tịch tỉnh


Dự thảo Luật Đặc khu gồm 92 điều, trong đó từ Điều 39 đến Điều 65 đã đưa ra 2 phương án về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đặc khu. Phương án 1: không tổ chức HĐND và UBND mà quyền lực được tập trung ở Trưởng Đặc khu. Phương án 2: tổ chức chính quyền đặc khu là HĐND và UBND đặc khu. Cả 2 phương án đều có những điều khoản đặc biệt về cơ chế cho đặc khu phát triển vượt các luật.

 

Theo dự thảo luật, Trưởng Đặc khu là người đứng đầu, quyết định và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo Hiến pháp, Luật Đặc khu và luật có liên quan. Trưởng Đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, có tổng cộng 128 quyền hạn đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền, kinh tế và có bộ máy giúp việc riêng.


Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu theo phương án 1, trong 128 quyền của Trưởng Đặc khu thì có đến hơn một nửa Chủ tịch UBND tỉnh không có quyền, mà thuộc quyền của Thủ tướng. Như vậy, có nghĩa là quyền của Trưởng Đặc khu to hơn quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng lại trực thuộc cấp tỉnh quản lý. “Điều 65 của dự thảo Luật Đặc khu nói rằng, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Trưởng Đặc khu. Cái này khó thực hiện và rất dễ xảy ra xung đột giữa Trưởng Đặc khu với Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Hòa phân tích.


Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng ủng hộ việc trao quyền hạn đặc biệt cho Trưởng Đặc khu nhưng phải tuân theo Hiến pháp Việt Nam và các quy ước đã ký kết với các nước trên thế giới. “Điều 111 của Hiến pháp đã quy định phải có chính quyền địa phương, nên nếu theo phương án 1 thì vi phạm Hiến pháp. Tôi nghiêng về phương án 2, nhưng ngay cả phương án này cũng chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa Đặc khu với cấp tỉnh”, ông Lê Xuân Thân băn khoăn.

 

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

 

Người dân, cán bộ trong Đặc khu sẽ ra sao?


Ông Lê Xuân Thân nói: “Có cử tri huyện Vạn Ninh gọi điện thoại cho tôi phản ánh: Nghe nói cư dân Đặc khu phải là cư dân thông thái, vậy chúng tôi sẽ ở đâu, làm gì?”. Vì vậy, theo ông, trong Đặc khu vẫn có dân ở nên có rất nhiều vấn đề văn hóa - xã hội được đặt ra nhưng trong dự thảo Luật Đặc khu chưa làm rõ. Việc hỗ trợ người dân giảm nghèo, triển khai các chính sách an sinh xã hội sẽ thực hiện ra sao? Bỏ chính quyền cấp xã thì kết hôn, sinh con… sẽ đăng ký ở đâu?

 

Ông Hoàng Thanh Hùng - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Cần làm rõ trong luật mối quan hệ theo chiều dọc và chiều ngang cũng như phạm vi lãnh thổ giữa Ủy ban Đặc khu với HĐND, UBND cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giữa Ủy ban Đặc khu với các cơ quan nhà nước Trung ương và các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương. Chẳng hạn nếu giao thẩm quyền vượt trội cho Đặc khu nhưng vẫn xác định là đơn vị trực thuộc cấp tỉnh thì Đặc khu có phải thực hiện các văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành hay không? Cơ chế về ngân sách, quyết toán ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý đất đai là thẩm quyền độc lập hay khi có vấn đề vẫn phải báo cáo cấp tỉnh?

Ông Nguyễn Tấn Thoại - Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh cũng chia sẻ, nghe tin chuẩn bị thành lập Đặc khu, nhiều người dân băn khoăn là họ sẽ ở đâu, làm gì, ra vào Đặc khu ra sao, an sinh xã hội, đời sống văn hóa, truyền thống trong Đặc khu sẽ như thế nào?… Nhiều cán bộ cũng tâm tư, chưa biết sẽ như thế nào khi Đặc khu hoạt động. Trước sự tác động từ việc thành lập Đặc khu đến đời sống, quyền lợi của hàng trăm ngàn người dân trên địa bàn, ông Thoại cho rằng cần có đánh giá tác động toàn diện các vấn đề của mô hình Đặc khu cũng như Luật Đặc khu.


Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng cơ chế, chính sách trình Trung ương để giải quyết các vấn đề về cư dân, cán bộ hiện tại khi thành lập, hoạt động theo mô hình Đặc khu. “Tôi cho rằng, các chính sách của Đặc khu sẽ tác động tốt hơn đến đời sống dân cư, người dân trong Đặc khu sẽ tích cực hòa nhập hơn. Đối với cán bộ hiện tại, đòi hỏi phải có trình độ tốt hơn để làm việc trong Đặc khu. Tỉnh Khánh Hòa sẽ vận động, làm công tác tư tưởng để giải quyết chế độ chính sách số còn lại, đảm bảo ổn định”, ông Lê Đức Vinh chia sẻ.


Theo ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, các cơ chế chính sách đặc thù, mang tính đột phá dự kiến áp dụng trong Luật Đặc khu cần được đánh giá tác động toàn diện, khoa học, khách quan về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng để đảm bảo thu hút đầu tư; có phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động; đảm bảo ổn định đời sống người dân. Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tích cực hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 hoặc thứ 6.


VĂN KỲ