Ngày 25-9, đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác khảo sát thực tế khu vực Bắc Vân Phong và làm việc với lãnh đạo tỉnh nghe báo cáo góp ý cho dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ngày 25-9, ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác khảo sát thực tế khu vực Bắc Vân Phong và làm việc với lãnh đạo tỉnh nghe báo cáo góp ý cho dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cùng làm việc có các ông: Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Còn lúng túng
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức rà soát đánh giá tiềm năng lợi thế so sánh của khu vực Bắc Vân Phong, trên cơ sở đó xây dựng định hướng phát triển các ngành nghề đặc thù phù hợp với thế mạnh của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh riêng của đặc khu theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Trong tháng 6-2017, UBND tỉnh đã có văn bản và tham gia cùng các bộ, ngành góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ngoài ra, tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang để trao đổi, góp ý kiến, đề xuất các nội dung để đưa vào dự thảo luật.
Hiện nay, do chưa có quy định chi tiết hướng dẫn việc lập đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nên tỉnh đã vận dụng các quy định hiện hành theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết 1211 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để xây dựng bố cục, nội dung đề án. Ngày 20-7, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép lập chỉ định thầu tư vấn lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nên UBND tỉnh đang triển khai thực hiện các thủ tục thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch cho đặc khu.
Ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc mở rộng diện tích đặc khu bằng cách lấy hết huyện Vạn Ninh theo phương án mới của UBND tỉnh có lợi thế là mở rộng thêm được khoảng 4.000ha để phát triển, nhưng bất lợi là khu vực phía tây toàn đồi núi, khó kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, việc bỏ chính quyền cấp xã, bỏ HĐND thì phải nghiên cứu phương án bố trí cán bộ hợp lý.
Ông Lê Đức Vinh thừa nhận, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều lúng túng trong việc tham gia góp ý dự thảo luật. “Phải quy hoạch đặc khu này như thế nào để đảm bảo 3 đặc khu không cạnh tranh với nhau, nhưng vẫn phát huy được thế mạnh đặc thù của mỗi đặc khu là vấn đề còn nhiều khó khăn, lúng túng. Lúc đầu, tỉnh dự kiến diện tích đặc khu khoảng 66.000ha là quá nhỏ, khó phát triển nên đã mở rộng ra lấy hết huyện Vạn Ninh nâng diện tích lên 111.000ha. Việc quản lý cũng được nghiên cứu lại bằng những chính sách chứ không cứng nhắc ở hàng rào địa giới”, ông Lê Đức Vinh cho biết.
Quyền đặc biệt của Trưởng đặc khu
Hiện nay, Khánh Hòa đang quyết tâm hoàn thiện đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; đồng thời thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể phát triển đặc khu; đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và UBND các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ninh trong việc xây dựng dự thảo luật. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để đẩy nhanh tốc độ triển khai đối với các đặc khu.
Dự kiến Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong sẽ bao gồm toàn bộ huyện Vạn Ninh, có diện tích 111.000ha, trong đó 56.000ha đất liền và 55.000ha mặt biển. Hiện nay, huyện Vạn Ninh có 13 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 12 xã), dân số hơn 130.000 người. Với quy mô, ranh giới theo đề xuất của tỉnh sẽ không phát sinh thêm đơn vị hành chính cấp huyện mới, biên chế cán bộ, công chức không phải điều chỉnh tăng. Việc quản lý cũng có nhiều thuận lợi vì chỉ chuyển đổi mô hình cấp huyện bình thường sang mô hình chính quyền đặc khu và không xáo trộn tâm lý người dân. |
Về mô hình tổ chức chính quyền, UBND tỉnh thống nhất phương án tổ chức chính quyền Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo dự thảo luật; không tổ chức HĐND tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; phân cấp cho Trưởng đặc khu một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh. Việc tổ chức các cơ quan tư pháp phải tương ứng và phù hợp với cấp chính quyền. Các cơ quan quân sự, công an được tổ chức theo quy định riêng. Mô hình này sẽ tạo sự linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng, kịp thời cho quản lý đặc khu.
Theo ông Lê Đức Vinh, do hiện trạng khu vực Bắc Vân Phong khá hoang sơ nên tỉnh đề nghị để lại toàn bộ nguồn thu phát sinh trên địa bàn cùng với cơ chế bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để đầu tư mới cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị cho phép bổ sung ngành nghề du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phục vụ cho phát triển của đặc khu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất với các kiến nghị của UBND tỉnh, đồng thời cho rằng trong đặc khu phải có cái chung và cái riêng. Cái riêng ở Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong chính là cảng nước sâu có thể phát triển mạnh vận tải hàng hóa cảng biển quốc tế. Còn các ngành nghề như: khu đô thị, khu resort, casino… thì ở đặc khu nào cũng có. “Khi xây dựng đề án, chúng ta phải thận trọng nhưng cũng đừng quá cầu toàn, bởi đối với Việt Nam, vấn đề này mới, nhưng trên thế giới đã phát triển đặc khu từ thập niên 40. Nếu nhanh thì dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 sắp tới và phê duyệt trong kỳ họp thứ 5”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay.
VĂN KỲ