Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Văn Danh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Văn Danh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC) với cách mạng.
- Xin ông cho biết những nét nổi bật trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC luôn được Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quan tâm chu đáo. Đồng thời, luôn xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cần phải thực hiện tốt. Kể từ năm 2012 đến nay, việc xác lập hồ sơ, điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp đối với NCC được các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời, nghiêm túc, đúng đối tượng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ và quản lý 50.291 hồ sơ NCC. Số NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 8.049 người với số tiền gần 11 tỷ đồng/tháng. Các chế độ, chính sách luôn được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Toàn tỉnh có 6 nghĩa trang liệt sĩ, 38 đài tưởng niệm, 2 đền thờ liệt sĩ và 70 nhà bia ghi tên liệt sĩ. Có 6.200 mộ liệt sĩ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2.042 mộ liệt sĩ chưa có thông tin. Nhằm tri ân các liệt sĩ, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã trân trọng khắc tên 7.256 anh hùng, liệt sĩ lên bia đá tại Điện thờ Tháp Trầm Hương. Đồng thời, từ năm 2012 đến nay, Trung ương đã chi hơn 25 tỷ đồng sửa chữa, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, địa phương cũng bảo đảm một phần kinh phí thực hiện quản lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trồng cây xanh ở tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Nhờ đó, các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ ngày một khang trang. Đặc biệt, trong năm 2017, Trung ương và địa phương hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng, tỉnh đã xây dựng 2 đền thờ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung và Nghĩa trang liệt sĩ Ninh Hòa - Vạn Ninh.
Thực hiện chính sách về nhà ở đối với NCC, UBND tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 903 hộ NCC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ xây mới 231 hộ, hỗ trợ sửa chữa 672 hộ với tổng kinh phí hơn 22,6 tỷ đồng. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đều đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho NCC và đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra, toàn tỉnh còn triển khai sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực như: nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; giúp đỡ, chăm sóc thương bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ, giúp đỡ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa… Từ năm 2012 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được hơn 24 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ cho các địa phương xây mới và sửa chữa 744 nhà ở cho đối tượng NCC…
Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước, cùng với sự chung tay của toàn xã hội, hiện nay, 100% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
- Công tác giải quyết hồ sơ công nhận NCC được thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
- Sau chương trình tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi NCC trong 2 năm 2014 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 8 trường hợp NCC và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi sai quy định. Qua xử lý, đến nay đã có 3 trường hợp nộp trả số tiền hưởng sai vào ngân sách Nhà nước; còn 5 trường hợp do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không thu hồi khoản tiền đã nhận sai.
Thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, tỉnh đã tiếp nhận 26 hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận NCC. Qua xem xét, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy có 20 hồ sơ thuộc diện quân nhân mất tin tức nên đã chuyển giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để lập thủ tục đề nghị theo quy định. Qua phối hợp theo dõi, hiện nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hoàn chỉnh 2 hồ sơ gửi Quân khu 5 trình các cấp có thẩm quyền công nhận liệt sĩ, 18 hồ sơ còn lại đang được cơ quan quân sự tiếp tục phối hợp với các địa phương xác minh, hướng dẫn thân nhân lập hồ sơ theo các thủ tục quy định. Đối với 6 hồ sơ cựu thanh niên xung phong đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh, hiện nay đã có 2 trường hợp được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh khám giám định vết thương với kết quả 24%, 45%; 1 trường hợp đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận bị thương, đang chờ giám định thương tật; 3 trường hợp còn lại đang được Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh hướng dẫn lập hồ sơ. Số hồ sơ này sẽ được các ngành chức năng giải quyết dứt điểm trong năm 2017.
- Để thực hiện tốt chính sách ưu đãi dành cho NCC, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục làm tốt công tác chi trả chế độ ưu đãi cho NCC kịp thời, đúng đối tượng; áp dụng các phương tiện công nghệ nhằm đảm bảo nắm vững thông tin về NCC để thực hiện chính sách hiệu quả hơn; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý đúng pháp luật những trường hợp sai phạm đối với chính sách ưu đãi NCC; thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các đối tượng NCC còn khó khăn; đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý và sử dụng đúng mục đích Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC theo đà phát triển kinh tế - xã hội…
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)