Kết quả giám sát trực tiếp của Ban Pháp chế HĐND tỉnh mới đây cho thấy, hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến hết năm 2016 còn vướng mắc.
Kết quả giám sát trực tiếp của Ban Pháp chế HĐND tỉnh mới đây cho thấy, hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến hết năm 2016 còn vướng mắc.
Bất cập về hệ thống pháp luật
Hiện nay, các khái niệm định tính dùng làm căn cứ định tội, hoặc xác định mức độ nghiêm trọng thuộc hậu quả của tội phạm được quy định trong nhiều điều luật của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhưng chỉ một số điều được hướng dẫn đầy đủ. Ví dụ, Điều 104 có quy định, người nào cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác với tỷ lệ thương tật dưới 11%, nhưng có một trong các dấu hiệu từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 thì vẫn cấu thành tội phạm. Tuy vậy, điều luật lại không quy định tỷ lệ thương tật tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, nên gây thương tích 1% cũng có thể bị truy cứu.
Một số dấu hiệu định khung trong loại án tham nhũng cũng chưa có hướng dẫn. Việc xác định hành vi nào phạm tội tham ô tài sản, trộm cắp tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn chưa thống nhất, do cách xác định tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước khác nhau. Đối với Điều 202 (tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ), Luật Giao thông đường bộ không xem xe chuyên dùng là phương tiện giao thông đường bộ, nên nếu người điều khiển xe này gây chết người hoặc thương tích nặng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều này.
Ở nhiều điều luật lấy hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra làm căn cứ xác định tội phạm cũng gặp khó. Chương XVII, phần các tội phạm về môi trường hiện chưa có hướng dẫn thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “rất lớn”, “đặc biệt lớn”, “ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”. Ví dụ, trong căn cứ để khởi tố theo Khoản 2 Điều 190 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) có “gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, nhưng đối với các loài thủy sinh, chưa có hướng dẫn xác định hậu quả. Ở Điều 155 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm) quy định hàng hóa phải có giá trị lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn, với các loài thủy sinh, cũng chưa có văn bản quy định bao nhiêu cá thể được coi là lớn, rất lớn, đặc biệt lớn.
Thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định tối đa 2 tháng (Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự - BLTTHS) cũng không phù hợp với loại tội phạm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, bởi cần có kết luận định giá, giám định của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Trung tâm Pháp y tỉnh hay Sở Giao thông vận tải… Trong khi đó, chưa có quy định về thời hạn ban hành các kết luận này.
Nghị quyết số 144 của Quốc hội về lùi hiệu lực thi hành của 5 luật, bộ luật và Hướng dẫn số 276 của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 cũng vướng. Điểm a, b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, ngoài “được miễn”, còn quy định “có thể được miễn”, dễ dẫn đến vận dụng không thống nhất.
Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ - Trưởng Công an TP. Nha Trang cho biết, tuy BLTTHS 2015 chưa có hiệu lực, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Nha Trang vận dụng Công văn số 2307 của VKSND Tối cao hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến bắt, tạm giữ, tạm giam. Theo đó, đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, VKSND không phê chuẩn lệnh tạm giam nếu không đủ căn cứ quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015 về tạm giam bị can, bị cáo. Có trường hợp tội phạm nghiêm trọng, người phạm tội có hộ khẩu ngoài tỉnh, người nhà xác nhận không rõ nơi ở, nhưng cơ quan điều tra vẫn phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Việc không tạm giam bị can sẽ khó quản lý đối tượng hoặc đối tượng có thể thông cung, tiếp tục phạm tội, bỏ trốn…
Thiếu nhân lực
Tình trạng thiếu người, quá tải việc xảy ra nhiều nhất là ở TAND TP. Nha Trang. Ông Hồ Việt Cường - Phó Chánh án cho biết, cơ quan có 18 thẩm phán (2 người được tăng cường từ Vạn Ninh, Cam Ranh). Từ năm 2013 đến hết năm 2016, TAND TP. Nha Trang đã giải quyết xét xử 2.027 vụ án hình sự/3.490 bị cáo, riêng năm 2016 giải quyết 570 vụ/895 bị cáo. Trung bình mỗi tháng, 1 thẩm phán xét xử 10 - 12 vụ, trong khi quy định của TAND Tối cao chỉ 6 vụ/tháng/thẩm phán. Ở cấp tỉnh, TAND tỉnh hiện có 13 thẩm phán. Hàng tháng, mỗi thẩm phán phải giải quyết khối lượng án gấp hơn 2 lần chỉ tiêu quy định của TAND Tối cao. Đáng nói là TAND Tối cao đã có quyết định tạm dừng tuyển dụng đến hết năm 2018.
Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ cho biết, Công an TP. Nha Trang hiện có 20 điều tra viên. Trung bình 1 năm, đơn vị xử lý vài trăm vụ án, mấy trăm đầu đơn, tin báo, tố giác, tuy Công an tỉnh đã tăng cường lực lượng nhưng vẫn chưa đủ. Điều tra viên thiếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến Công an TP. Cam Ranh có tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo quá hạn cao (39,02%). Đơn vị này hiện có 12 điều tra viên, gồm cả thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan. Năm qua, mỗi người thụ lý điều tra 11 vụ. Công an huyện Diên Khánh có 10 điều tra viên, phân bổ cho Đội Điều tra hình sự và Đội Điều tra tổng hợp; riêng tổ điều tra về ma túy, kinh tế chưa có điều tra viên. Trên toàn tỉnh, năm 2016, Công an tỉnh có 115 điều tra viên, trong đó 113 người trực tiếp thụ lý án, phải thụ lý điều tra 1.299 vụ/1.537 bị can, ra quyết định không khởi tố 315 vụ. Trung bình trong năm, 1 điều tra viên thụ lý 14,3 vụ (kể cả án không khởi tố) và 11 tin báo, tố giác tội phạm.
Ông Lữ Thanh Vân - Viện trưởng VKSND TP. Nha Trang thông tin, trong 20 kiểm sát viên, viện phân bổ 10 người làm mảng hình sự, như vậy vẫn quá mỏng bởi trung bình 1 năm, VKSND TP. Nha Trang có khoảng 500 vụ án hình sự, chưa kể án dân sự, kiểm sát trại giam… VKSND huyện Vạn Ninh có 4 kiểm sát viên thì 2 người là lãnh đạo. VKSND thị xã Ninh Hòa có 9 kiểm sát viên thì có 3 lãnh đạo, 6 người hoạt động nghiệp vụ phần lớn mới bổ nhiệm và kiêm nhiệm…
N.V