Ngày 15-6, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Khánh Hòa tiến hành khảo sát về chính sách hỗ trợ tái định cư; hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên biển tại huyện Vạn Ninh.
Ngày 15-6, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Khánh Hòa tiến hành khảo sát về chính sách hỗ trợ tái định cư (TĐC); hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên biển tại huyện Vạn Ninh. Qua đó, đề nghị địa phương khắc phục một số tồn tại về TĐC và khai thác thủy sản.
Các khu tái định cư cơ bản hoàn thiện hạ tầng
Đoàn khảo sát tại 2 khu TĐC của dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả gồm: số 2 (xã Đại Lãnh) và Ruộng Dỡ Trong (Vạn Thọ). Khu TĐC số 2 có diện tích 15ha, đáp ứng nhu cầu TĐC cho hơn 240 hộ dân bị giải tỏa. Đến nay, có 57 hộ chuyển đến xây nhà ở. Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, hệ thống điện, đường, trường học đã hoàn thành, chợ đang thi công giai đoạn cuối, chuẩn bị đưa vào khai thác. Người dân tại khu TĐC khá hài lòng về cơ sở hạ tầng đã được nhà đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, nhất là về nước sinh hoạt mùa khô.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu (khu TĐC số 2) cho biết, khu vực này an ninh trật tự rất tốt, mọi thứ thuận lợi, tuy nhiên nơi đây không có đất trồng cây, gia đình phải đi làm thuê kiếm sống, thu nhập không bằng nơi ở cũ. Về nước sinh hoạt, nhà đầu tư cũng đắp đập trên núi, ngăn nước cho dân dùng, tuy vậy, vào mùa khô vẫn phải mua thêm nước để dùng. Theo ông Nguyễn Xuân Ánh (khu TĐC số 2), mọi thứ tại khu TĐC rất tốt, chỉ có 2 điều khiến ông quan tâm và mong các ngành chức năng sớm giải quyết, đó là: các hố ga thoát nước nằm trong khu TĐC không được đậy nắp khiến đất đá trôi xuống, về lâu dài sẽ làm nghẹt cống và tắc nghẽn; thảm thêm 10cm bê tông xi măng con đường dẫn từ khu dân cư vào khu TĐC, đoạn tuyến dài hơn 100m.
Trong khi đó, khu TĐC Ruộng Dỡ Trong đã được UBND huyện Vạn Ninh đầu tư hệ thống điện, điện đường, đường bê tông xi măng và khoan giếng cung cấp nước cho các hộ TĐC. Hiện tại, khu TĐC mới có 3/12 hộ gia đình về sinh sống. Các hộ còn lại đã tìm nơi ở khác, hoặc chưa đến xây nhà.
Qua khảo sát, đoàn kiểm tra đánh giá cơ sở hạ tầng tại các khu TĐC khá tốt, đáp ứng được đời sống sinh hoạt của người dân. Ông Nguyễn Ngô - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh lưu ý huyện Vạn Ninh cần quan tâm đến công tác tái định canh, tìm địa điểm thích hợp giúp người dân có nơi nuôi trồng gia súc gia cầm, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân khu TĐC. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cho rằng, vai trò của các tổ chức đoàn thể tại địa phương chưa được phát huy, cụ thể một số người dân tại khu TĐC chưa tham gia tổ chức hội, đoàn thể nào. Điều này sẽ khiến người dân khó khăn hơn trong việc tiếp cận các chính sách liên quan đến đời sống hàng ngày...
Quy hoạch nuôi trồng thủy sản hết hiệu lực
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản vùng mặt nước vịnh Vân Phong đã hết hiệu lực. Huyện đang chờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh, triển khai quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035 để có cơ sở thực hiện tại địa phương. Chính vì chưa có quy hoạch nên người dân vẫn nuôi theo tập quán, theo từng vùng, dẫn đến các vùng quy hoạch nuôi chưa hợp lý về mật độ phân bố trong một đơn vị diện tích mặt nước, ô nhiễm cục bộ từng vùng nuôi. Việc tảo nở hoa, gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi trồng thủy sản vào cuối năm 2016 là một minh chứng điển hình. Ngoài ra, việc chưa quy hoạch ảnh hưởng đến luồng lạch giao thông thủy nội địa, gây khó khăn cho các hoạt động khai thác thủy sản và tàu thuyền đưa đón người dân đi lại giữa các đảo.
Lãnh đạo huyện cũng cho rằng, hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản chưa có quy định cấp phép hoạt động nên rất khó khăn trong công tác quản lý hộ khẩu, vùng nuôi, quy mô lồng bè nuôi, đối tượng nuôi, việc sử dụng thuốc, các chế phẩm sinh học, xuất xứ nguồn gốc và chất lượng tôm, cá giống.
Thời gian qua, qua kiểm tra việc thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở địa phương, có một số ngư dân đã vi phạm về sử dụng diện tích mặt đất, nước ngoài vùng quy hoạch. Cụ thể, có 91 trường hợp vi phạm, trong đó có 63 trường hợp nuôi cá bớp tại vùng biển Vạn Giã trái quy định; số còn lại tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nuôi tôm trên bạt, tự ý cắm lồng bè nuôi bàn mai, vẹm xanh, tu hài… tại Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Vạn Long.
Khai thác nguồn lợi thủy sản tận diệt diễn biến phức tạp
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền các quy định pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, do lợi nhuận kinh tế trước mắt nên một số ngư dân vẫn lén lút hoạt động các nghề cấm trong vịnh Vân Phong như: giã nhủi, giã cào bay, giã cào sò, dùng kích điện để lặn sò, lờ dây… gây tác hại nghiêm trọng về môi trường và nguồn lợi sinh vật biển. Để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản trái phép, huyện đã thành lập 1 tổ công tác liên ngành phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc tuần tra xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn như: lực lượng tham gia mỏng, kinh phí hạn hẹp. Chưa kể, khi lực lượng chuẩn bị ra quân thì người thân trong bờ của các đối tượng khai thác trái phép đã báo cho các tàu ngoài khơi dừng hoạt động… Theo báo cáo, năm 2015 và 2016, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã ra quân 14 đợt tuần tra kiểm soát, xử lý 9 trường hợp, tịch thu 4 lồng cào sò, 1 lồng cào nhủi, 13 bình ắc quy và 5 bộ kích điện; xử phạt tổng cộng 20,3 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngô cho rằng, tình hình khai thác thủy sản trái phép trên biển tại huyện Vạn Ninh diễn biến khá phức tạp, nhất là giã cào; trong 2 năm chỉ xử lý chưa đến 10 trường hợp, như vậy các lực lượng tham gia xử lý vi phạm làm không hiệu quả. Đại diện đoàn kiểm tra yêu cầu trong thời gian tới, huyện Vạn Ninh cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng xử lý mạnh mẽ, rốt ráo hơn nữa vấn đề này.
THÀNH NAM