Sáng 12-6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Sáng 12-6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu QH bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH. Đề cập tới việc thực hiện kỷ luật ngân sách, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng những vấn đề nổi cộm như: chuyển nguồn lớn, ứng trước và thu hồi vốn ứng không đúng quy định... vẫn diễn ra. Kết quả thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị đều tăng thu ngân sách ở các mức độ khác nhau, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập, phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA bất cập, yếu kém, QH đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được khắc phục. Để chấn chỉnh kỷ luật ngân sách, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc có một nghị quyết để triển khai Nghị quyết của QH, giao cho cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ xử lý vi phạm.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ QH sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH, chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Tiếp theo chương trình làm việc, QH đã biểu quyết thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với 83,5% đại biểu có mặt tán thành. Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được QH thông qua có 4 chương với 35 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
Luật quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; sử dụng nguồn lực hỗ trợ không đúng mục đích đã cam kết…
Đồng thời, luật cũng có các quy định hết sức rõ ràng, cụ thể các nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;…
Buổi chiều, với trên 88% đại biểu có mặt tán thành, QH đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương. Luật có 8 chương 113 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Về các nội dung cụ thể, luật quy định rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương; biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu; biện pháp quản lý theo giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu; quá cảnh hàng hóa; các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; biện pháp phòng vệ thương mại; tự vệ trong hàng hóa nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam… Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018.
T.A (Tổng hợp)