Sáng 2-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường. QH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án này.
Sáng 2-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường. QH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án này.
Trong quá trình thảo luận, đã có 26 đại biểu QH phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: chính sách nhà nước đối với hoạt động công nghệ nhằm khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ; đối tượng công nghệ được chuyển giao; hình thức chuyển giao công nghệ; các loại công nghệ khuyến khích được chuyển giao; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; về cấp phép chuyển giao công nghệ và đăng ký chuyển giao công nghệ; căn cứ cấp phép đăng ký chuyển giao công nghệ; về Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; hình thức hỗ trợ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ của quỹ; nguồn hình thành quỹ…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.
Buổi chiều, QH đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Sau đó, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án này.
Quy định sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vào mục đích văn hóa và việc lựa chọn cơ quan được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; về quản lý, sử dụng vũ khí; về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;
Về thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy và giám sát tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cơ sở bảo đảm cho việc thu gom, cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cơ chế động viên, khen thưởng, khuyến khích giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; xử lý vi phạm...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, về vấn đề nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại điều 17, dự thảo luật đề ra 2 phương án. Qua thảo luận cho thấy cả 2 phương án đều được phân tích lựa chọn rất kỹ lưỡng. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu QH, đại diện cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề nghị sửa nội dung này theo hướng giao các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ, đồng thời tính đến việc các doanh nghiệp dân sự tham gia khi có đủ điều kiện nhưng không được tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.
Trên cơ sở thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn chỉnh dự án luật, trình QH thông qua theo chương trình tại kỳ họp này.
T.A (Tổng hợp)