08:06, 01/06/2017

Đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp

Sáng 1-6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Dự thảo luật này đã được QH thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
 

Sáng 1-6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Dự thảo luật này đã được QH thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày trước QH đã làm rõ những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
 
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Ủy ban Thường vụ QH đánh giá dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm kế thừa phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành và các luật liên quan, đồng thời luật hóa các quy định hiện hành đang được thực hiện có kết quả, bổ sung những quy định nhằm đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng xã hội hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
 
Vì vậy, phạm vi điều chỉnh vẫn giữ như dự thảo luật: quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã rà soát, bổ sung, chỉnh lý nhiều điều khoản để quy định rõ hơn về phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý và các hình thức trợ giúp pháp lý như trong dự thảo luật.
 
Đối với quy định về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, nhiều ý kiến tán thành với nội dung quy định này trong dự thảo luật; có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý; quy định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
 
Về vấn đề này, quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH là xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý, đồng thời giảm gánh nặng đối với Nhà nước. Với tinh thần đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý (Điều 25) để huy động những người có kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm pháp luật, có điều kiện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý ở những vùng khó khăn, không có đội ngũ làm trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp. Đồng thời, quy định giảm số năm kinh nghiệm về tư vấn pháp luật của Tư vấn viên pháp luật là thành viên tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý từ 5 năm còn 2 năm (điểm c, khoản 1 Điều 19); quy định cụ thể các loại công việc, hình thức trợ giúp pháp lý mà mỗi chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý được thực hiện (cụ thể: luật sư được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng tất cả các hình thức; tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên trợ giúp pháp lý chỉ được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật).
 
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng khuyến khích các tổ chức, luật sư, cá nhân khác thực hiện tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân. Về các biện pháp, cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động trợ giúp pháp lý, dự thảo luật quy định nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý” (khoản 4 Điều 4); thông qua đó uy tín nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân được nâng cao, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
 
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới quy định tại Điều 7 về người được trợ giúp pháp lý.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp hợp lý để hoàn thiện dự thảo luật với mục đích phải khắc phục cho được những bất cập của luật hiện hành, đồng thời nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Ngay sau buổi họp này, các cơ quan hữu quan sẽ hoàn chỉnh dự thảo luật, trình QH thông qua.
 
Buổi chiều, QH nghe Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận tại Tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 
T.A (Tổng hợp)