10:05, 24/05/2017

Quốc hội thảo luận vấn đề xử lý hình sự vi phạm kinh doanh đa cấp

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) dành cả ngày 24-5 để thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) dành cả ngày 24-5 để thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày trước QH đã giải trình, làm rõ một số vấn đề lớn của Bộ luật liên quan tới phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...


Qua thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu QH đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Ủy ban Thường vụ QH. Cơ quan chủ trì thẩm tra đã cùng với các cơ quan liên quan thực hiện nhiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, tiếp thu đầy đủ, khách quan các ý kiến của đại biểu QH, các chuyên gia, nhà khoa học, rà soát giải trình cụ thể, chi tiết các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật.


Liên quan tới phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), Ủy ban Thường vụ QH trình QH 2 phương án. Qua phiên thảo luận, các đại biểu QH có những quan điểm khác nhau về nội dung này, vì thế chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu QH, nếu đa số chọn phương án nào thì dự thảo sẽ lựa chọn theo phương án đó.


Bên cạnh đó, không ít ý kiến đại biểu QH tỏ ra lo ngại việc bổ sung “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” có thể tạo khe hở là nơi “trốn” để đối tượng không bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu QH đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này.


“Ủy ban Thường vụ QH cho rằng kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu quan điểm.


Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu QH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.


T.A (Tổng hợp)