08:05, 28/05/2017

Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ 14 đến dưới 16 tuổi

Tại những phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã tranh luận rất nhiều về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi cho đến dưới 16 tuổi. Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lữ Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa về nội dung này.
 

Tại những phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã tranh luận rất nhiều về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi cho đến dưới 16 tuổi. Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lữ Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa về nội dung này.
 
Trong những lần thảo luận trước đây cũng như tại những phiên thảo luận về Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã tranh luận rất nhiều về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi cho đến dưới 16 tuổi. Xin ông nói rõ hơn về quy định cần điều chỉnh này?
 
- Ông Lữ Thanh Hải: Hiện nay có 2 phương án khác nhau trong quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015. Phương án 1 là giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó đối với 03 tội gồm: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134); tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2 là giữ nguyên như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.
 
Như vậy, phương án 1 là nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống các tội phạm đang có diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Còn phương án 2 nhằm thu hẹp phạm vi phạm tội, nếu xử lý hình sự quá rộng sớm đưa các em vào vòng tố tụng, biện pháp tốt nhất để giáo dục các em.
 
Theo ông, phương án nào là khả thi để áp dụng trong tình hình hiện nay?
 
- Ông Lữ Thanh Hải: Theo tôi, phương án 2 là đúng xét về tính lâu dài. Tuy nhiên, qua thực trạng xã hội nước ta, đặc biệt là những năm gần đây, tình trạng các vụ do trẻ vị thành niên, trẻ em phạm tội thực hiện tăng lên và có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt nhiều vụ xảy ra gây dư luận xã hội, tập trung vào các tội cướp, cướp giật, đánh bạc, hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích, giết người… có vụ xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, hành vi man rợ như vụ giết 6 người ở tỉnh Bình Phước; vụ thảm sát tiệm vàng ở tỉnh Bắc Giang; gần đây nhất xảy ra vụ nhiều em học sinh nữ (gồm 14 đối tượng đa số sinh năm 2000, 2001, 2002) đã cùng nhau túm tóc, kéo, đánh một em học sinh nữ và bắt nạn nhân phải “liếm chân” xảy ra tại huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh gây dư luận xã hội rất phẫn nộ. 
 
Thực trạng trên cho chúng ta thấy tình hình trẻ em phạm tội ngày càng có tính chất, mức độ nguy hiểm cao đã gây ra nhiều vụ án thương tâm, làm nhức nhối trong dư luận xã hội, gây nhiều diễn biến phức tạp. Nguyên nhân phạm tội của đối tượng này thường xuất phát từ những nguyên nhân bình thường nhưng đối tượng lại xử lý và hành động hết sức nguy hiểm.
 
Hành vi phạm tội của trẻ em ngày càng có tính bạo lực “máu lạnh”, đã đến lúc thực trạng này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc từ nhiều góc cạnh để đẩy lùi vấn nạn này. Tại Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách về góp ý sửa đổi Bộ luật hình sự vào ngày 03/4/2017, đại diện Học viện cảnh sát, thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ cũng đã nêu lên thực tiễn, công trình nghiên cứu tội phạm học chứng minh ý thức và hành vi nguy hiểm của loại tội phạm này đang báo động và cho là xử lý theo phương án 01 là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
 
 
Ông Lữ Thanh Hải, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa
Ông Lữ Thanh Hải, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa
 
 
Vậy ông có ý kiến đề xuất gì?
 
- Ông Lữ Thanh Hải: Đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta trong việc xử lý với người chưa thành niên, trẻ em phạm tội rất nhân đạo với biện pháp răn đe, giáo dục và giúp đỡ họ sửa lỗi lầm là chính. Tuy nhiên, trước tình trạng trẻ em phạm tội gia tăng và ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi cần phải xây dựng chế tài pháp luật mạnh hơn, pháp luật cần đưa ra những khung hình phạt cụ thể. Bởi vì phía sau những vụ án bao giờ cũng là nỗi đau của người bị hại. Nếu nói về tính nhân đạo thì chúng ta cần xem xét thật toàn diện, khách quan đối với người phạm tội và người bị hại. Vì vậy, tôi rất tâm đắc đồng tình với phát biểu của vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai khóa XIV: “Nếu nhân đạo với người phạm tội thì không nhân đạo với người bị hại”. Pháp luật Việt Nam luôn có tính nhân văn, thể hiện ở quy định của Bộ luật hình sự đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội nếu điều luật áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định (Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015) điều này chứng tỏ pháp luật đã thể hiện tính nhân đạo đối với trẻ em phạm tội.
 
Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, phiên thảo luận tại hội trường ngày 24/5/2017, có vị đại biểu Quốc hội phát biểu nêu ví dụ thực tế có trường hợp trẻ em ra tòa, khi tòa án xét xử phát biểu: “Nếu em biết như thế này em không phạm tội”. Điều này thể hiện phương án 1 có tính giáo dục, giúp các em nhìn nhận ra lỗi lầm, nhận thức được pháp luật chứ không đưa các em vào vòng lao lý. Vì vậy, nhằm đảm bảo tính răng đe, ngăn ngừa, hạn chế tội phạm trẻ hóa, đảm bảo công bằng trong xử lý tội phạm, thực thi triệt để pháp chế nhằm ổn định trật tự xã hội.
 
Tuy nhiên, khi truy cứu trách nhiệm hình sự, xét xử cần áp dụng triệt để và phổ biến các biện pháp tư pháp, các hình phạt giảm nhẹ, cần xem xét một cách khách quan, tâm lý, hoàn cảnh, nhân thân, mức độ thành khẩn khai báo để áp dụng hình phạt có tình, có lý mang tính răn đe, giáo dục là chính đồng thời trong giải quyết người chưa thành niên phạm tội cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống thượng tôn pháp luật trong giới trẻ hiện nay. Tôi hy vọng tại kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội sẽ nhất trí cao thông qua phương án thứ nhất.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Thực hiện: Ngọc Sương