11:05, 31/05/2017

Mở rộng phạm vi bồi thường của Nhà nước

Sáng 31-5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Sáng 31-5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết: Dự thảo luật này đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 2, được các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu, các nhà khoa học, người dân để trình ra kỳ họp này. Theo đó, một trong những vấn đề lớn mà dự thảo luật đưa vào là mở rộng phạm vi bồi thường của Nhà nước, không chỉ trong hoạt động tố tụng hình sự, mà còn đưa thêm bồi thường đối với hoạt động quản lý hành chính do áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật. Điều này cũng phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đồng thời tăng cường tính minh bạch, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 Chương, 78 Điều, quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thiệt hại được bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước. Nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.


Buổi chiều, QH đã có phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh sẽ là: Tại kỳ họp thứ 3, trình QH thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4, trình QH thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 2 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 1 kỳ họp).

 

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao và nhận định, so với các năm trước, việc lập đề nghị đưa các dự án vào Chương trình đã có nhiều cải tiến theo hướng thực chất hơn. Chính phủ, các cơ quan liên quan cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH đã tích cực phối hợp chuẩn bị để bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ các dự án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đề nghị xây dựng luật cũng như nội dung thẩm tra đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hơn, tập trung vào những nội dung chính sách được đề xuất quy định trong luật, có đánh giá tác động và khả năng thực hiện của từng chính sách.


Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu QH và đề nghị, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu QH, các cơ quan trình dự án luật cần tập trung vào các dự án luật mà cuộc sống đòi hỏi, để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.


T.A (Tổng hợp)