Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa
(Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa)
- Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 22-5, xin đồng chí cho biết nội dung, chương trình của kỳ họp?
- Theo thông lệ, kỳ họp giữa năm tập trung cho công tác xây dựng pháp luật nên đây cũng là trọng tâm của kỳ họp thứ 3. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 21,5 ngày.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 14 dự án luật và 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật. Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội còn xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018...
Tại kỳ họp này, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
- Xin ông cho biết về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh từ kỳ họp thứ 2 đến nay?
- Từ sau kỳ họp thứ 2 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đoàn đã tiến hành 3 đợt giám sát trên địa bàn tỉnh với các chuyên đề: Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; Việc thực hiện chính sách pháp luật về việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát hiện và phản ánh với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực nêu trên và đã kiến nghị nhiều vấn đề để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và các đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác tiếp xúc cử tri, bên cạnh việc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đã tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri theo chuyên đề: cử tri là đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa tiêu biểu, cử tri là cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã ghi nhận và phản ánh đến Quốc hội, các cơ quan hữu quan ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà để xem xét, trả lời theo quy định.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến các vị ĐBQH trong Đoàn và các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, luật gia góp ý cho cho 13 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, Đoàn đã thành lập Tổ tư vấn xây dựng pháp luật gồm 9 vị là các luật gia, chuyên gia, người có kinh nghiệm tham gia công tác xây dựng pháp luật. Bước đầu đã phát huy được vai trò của Tổ tư vấn trong công tác xây dựng pháp luật phục vụ kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Các hoạt động tiếp công dân, trả lời, giải quyết đơn thư của công dân được quan tâm, triển khai theo quy định.
- Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, ý kiến của cử tri Khánh Hòa tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
- Nhìn chung, cử tri Khánh Hòa bày tỏ sự quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những chính sách thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cho nông dân, nhất là người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá thịt heo thấp; xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, hợp lý, đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản nhằm đảm bảo đời sống, thu nhập của người nông dân; tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép; đề nghị nghiên cứu lại chủ trương thu phí môi trường 8.000 đồng/lít xăng như báo chí đã đưa tin.
Cử tri đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tăng cường đối thoại với người dân, thực hiện tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư cũng như việc triển khai các dự án, công trình tác động đến đời sống, sinh hoạt của của người dân, tránh để xảy ra các điểm nóng. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những hành vi manh động, vi phạm pháp luật của người dân cũng như của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, cử tri phản ánh một số bất cập khi thi công tuyến tránh Quốc lộ 26A qua thị xã Ninh Hòa, tuyến tránh Quốc lộ 1 qua huyện Diên Khánh; đề nghị xem lại chủ trương đặt 2 trạm thu phí BOT cách nhau chưa tới 8km trên địa bàn thị xã Ninh Hòa không đúng với quy định của Nhà nước; đề nghị tăng cường quản lý hành lang an toàn đường sắt.
Cử tri bày tỏ sự bức xúc trước thông tin về các trường hợp thương binh giả, chất độc da cam giả gây ảnh hưởng đến chính sách chăm lo cho người có công của Nhà nước; về những bất cập trong việc giám định công nhận người nhiễm chất độc da cam; về tiêu chí hộ nghèo đa chiều có những điểm chưa hợp lý… Cử tri cũng phản ánh việc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hiện nay đang gặp khó khăn vì nhiều hộ không có khả năng mua cho tất cả thành viên gia đình; đề nghị có cộng điểm ưu tiên cho các học sinh là con của những người đã tham gia chiến đấu ở chiến trường K; đề nghị đưa môn Đạo đức vào chương trình học và thi của các cấp học…
Cử tri cũng phản ánh và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến thẩm quyền của UBND tỉnh. Đoàn ĐBQH đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn tổng hợp, báo cáo Quốc hội những nội dung thuộc thẩm quyền Trung ương và đề nghị UBND tỉnh xem xét, trả lời những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
BÙI YẾN (Thực hiện)