01:04, 26/04/2017

Truyền thống 70 năm Báo Khánh Hòa: Nguồn sáng định hướng cho chúng ta đi tới

Tháng 4-1997, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi thư chúc mừng. Bức thư có đoạn: "Là một trong những tờ báo của Đảng bộ địa phương xuất bản sớm nhất trên đất nước ta, Báo Khánh Hòa qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân Khánh Hòa". 

Tháng 4-1997, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi thư chúc mừng. Bức thư có đoạn: “Là một trong những tờ báo của Đảng bộ địa phương xuất bản sớm nhất trên đất nước ta, Báo Khánh Hòa qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân Khánh Hòa”. Vinh dự, tự hào, những người làm Báo Khánh Hòa đang tiếp nối truyền thống vẻ vang mà các thế hệ đi trước truyền lại…

 

Bắt đầu từ Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại thôn Đại Điền Đông, huyện Diên Khánh, vào khoảng trung tuần tháng 4-1946 bàn về công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy quyết định phải có một tờ báo của Đảng bộ địa phương phục vụ cho cuộc kháng chiến. Một năm sau với bao nhiêu công phu chuẩn bị, ngày 26-4-1947, tại chiến khu Hòn Dữ, số báo Thắng đầu tiên ra đời. Ngay từ số báo đầu tiên của Đảng bộ, tờ báo đã hòa mình vào dòng chảy lịch sử đấu tranh kháng chiến, giành độc lập dân tộc do Tỉnh ủy lãnh đạo. Tờ báo đã mang tiếng nói của Đảng, các chủ trương chỉ đạo kháng chiến của Tỉnh ủy, các bài viết động viên tinh thần yêu nước, yêu quê hương, căm thù quân giặc… tất cả cho kháng chiến thắng lợi. Các thế hệ làm Báo Khánh Hòa sau này luôn luôn trân trọng biết ơn đến những bậc lão thành đã khai sinh ra tờ báo. Đó là bác Nguyễn Minh Vỹ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, chủ nhiệm đầu tiên của tờ báo Thắng. Đó là các bác Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung - những người lãnh đạo đầu tiên của tờ báo. Đó là vợ chồng bác sĩ Kiều Xuân Cư và biết bao đồng chí khác đã trực tiếp in báo, mua giấy mực ở vùng tự do vượt qua bao đồn bót đưa lên chiến khu để in báo, những đồng chí giao liên đã âm thầm, lặng lẽ đưa báo đi các cơ quan, đơn vị và về vùng tạm chiếm, để tiếng nói của Đảng bộ tỉnh đến với mọi tầng lớp xã hội, động viên toàn đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái kháng chiến, giải phóng quê hương.

 

Đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Báo Khánh Hòa  nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6

Đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Báo Khánh Hòa nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6.

 

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà tờ báo của Đảng bộ thay đổi tên gọi. Đó là Thông Tin (1951 - 1954), Gió Mới (1954 - 1956), Giải phóng Khánh Hòa (1965 - 1975). Trải qua những chặng đường thăng trầm của phong trào cách mạng, dù là lúc phong trào ở tình thế gian khó nhất, tờ báo của Đảng bộ vẫn tồn tại, phát triển, vẫn đem tiếng nói của Đảng đến với phong trào cách mạng. Dù có mang tên nào thì tờ báo của Đảng bộ cũng là một phần quan trọng của phong trào cách mạng, của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy.

Sau ngày đất nước thống nhất, tờ báo của Đảng bộ tiếp tục bước sang thời kỳ mới, thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương mới được giải phóng. Tháng 11-1975, theo Nghị quyết của Quốc hội, hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên nhập lại tỉnh Phú Khánh thì báo Giải phóng Khánh Hòa và Giải phóng Phú Yên cũng sáp nhập thành Báo Phú Khánh. Trong suốt thời gian này, Báo Phú Khánh đã bám sát cuộc sống, kịp thời đưa các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, động viên cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, quyết tâm xây dựng Phú Khánh thành một tỉnh giàu và đẹp như lời căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tháng 7-1989, tỉnh Khánh Hòa tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội về chia tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Báo Khánh Hòa đã ra số 1 ngày 1-7-1989 và Đặc san Khánh Hòa, khi này báo ra 2 kỳ/tuần. Báo Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, bám sát cuộc sống, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, kịp thời tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân.

 

Tập thể Tòa soạn trong dịp kỷ niệm 70 năm Báo Khánh Hòa
Tập thể Tòa soạn trong dịp kỷ niệm 70 năm Báo Khánh Hòa

 

Trong thời kỳ đổi mới, Báo Khánh Hòa đã nhạy bén với tình hình, từng bước tự đổi mới, phát triển để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Báo từng bước tăng kỳ phát hành trong tuần, đến năm 2001 phát hành 4 kỳ/tuần, năm 2005 báo tăng lên 5 kỳ/tuần và kể từ ngày 2-4-2009, Báo Khánh Hòa ra 6 kỳ/tuần với 12 trang mỗi kỳ cho đến hôm nay.

Trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của thông tin mạng, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, đúng dịp kỷ niệm 18 năm ngày giải phóng Khánh Hòa, ngày 2-4-2003, Trang thông tin Khánh Hòa điện tử ra mắt bạn đọc, góp phần mở rộng thông tin trong tỉnh đến với bạn đọc cả nước và quốc tế. Thời điểm này, Báo Khánh Hòa là một trong số ít các báo khu vực miền Trung và Tây Nguyên ra mắt phiên bản Trang thông tin điện tử. Đến năm 2012, Báo Khánh Hòa điện tử thực hiện đổi mới giao diện, thêm phiên bản mobile để tăng thêm tính tương tác với bạn đọc, được Sở Thông tin Truyền thông đánh giá là 1 trong 10 sự kiện thông tin, báo chí trong năm. Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, Trang thông tin điện tử Báo Khánh Hòa nâng cấp trở thành Báo Khánh Hòa điện tử với 2 phiên bản, trong đó có bản tiếng Anh KhanhHoaNews.

Ghi nhận những đóng góp của Báo Khánh Hòa, ngày 26-4-1997, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Báo, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi thư chúc mừng, động viên toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, công nhân viên Báo Khánh Hòa. Trong dịp này, Báo Khánh Hòa vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Nhất. Trong thời kỳ đổi mới, ghi nhận sự phát triển của tòa soạn và sự nỗ lực, đóng góp của Báo Khánh Hòa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Báo 26-4-2007, Báo Khánh Hòa một lần nữa vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Độc lập hạng Ba.

Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Khánh Hòa đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, cơ quan Báo còn nỗ lực xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện. Tổng kết 5 năm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 2011 - 2015, Báo Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Bên cạnh đó, Báo Khánh Hòa đã tập trung cho công tác xã hội để tờ báo gần gũi với cuộc sống của các tầng lớp nhân dân hơn, đồng thời chung tay với toàn xã hội, đóng góp trực tiếp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Truyền thống 70 năm của Báo Khánh Hòa là một tài sản tinh thần vô giá, luôn là niềm tự hào đối với những thế hệ làm báo ngày nay. Lịch sử phát triển 70 năm của Báo như ngọn đèn định hướng cho các thế hệ sau đi tới. Vinh dự và tự hào, những người làm Báo Khánh Hòa hôm nay nguyện phát huy truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện đạo đức của người làm báo Đảng, xây dựng Báo Khánh Hòa ngày càng phát triển, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới theo định hướng mà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã căn dặn cách đây 20 năm nhưng vẫn nguyên giá trị: phấn đấu làm cho tờ Báo Khánh Hòa ngày càng hay hơn, đúng hơn, đẹp hơn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trần Duy Hưng