Qua giám sát tại nhiều sở, ngành, địa phương, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Qua giám sát tại nhiều sở, ngành, địa phương, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhận thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Kết quả đạt được
Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của tỉnh hiện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Đến nay, toàn tỉnh có 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 12 phòng, ban thuộc UBND cấp huyện (trừ 5 địa phương: Cam Ranh, Ninh Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm có thêm phòng Dân tộc). Đến năm 2016, tỉnh được giao 2.141 biên chế hành chính. UBND tỉnh đã xây dựng xong Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, báo cáo Bộ Nội vụ và được phê duyệt 319 vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm của các cơ quan, địa phương. Các công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, đào tạo, đánh giá cán bộ đều được thực hiện đúng quy định. UBND tỉnh cũng đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 trình Bộ Nội vụ xem xét. Đến nay, tuy chưa có ý kiến phê duyệt nhưng tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Riêng năm 2016, Bộ Nội vụ có ý kiến thẩm tra 136 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Nội vụ có ý kiến thẩm tra 31 trường hợp tinh giản biên chế.
Nhằm đổi mới phương thức làm việc, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai toàn diện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% cơ quan hành chính. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, 6 cơ quan ngành dọc có nhiều giao dịch thủ tục (Cục Hải quan, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Công an tỉnh và các đơn vị trực thuộc) đã tích cực triển khai. Các thủ tục liên quan đến trách nhiệm phối hợp giải quyết của nhiều cơ quan hành chính như: đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế - khắc dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - mã số thuế cho hộ kinh doanh cá thể, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường… đều được áp dụng cơ chế một cửa liên thông và đều được xây dựng quy trình, phân định trách nhiệm, thời hạn xử lý từng bước công việc, nguyên tắc phối hợp để bảo đảm thời hạn trả kết quả. UBND tỉnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tại cuộc họp đoàn giám sát mới đây, nhiều thành viên cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại tỉnh giai đoạn 2011-2016 còn nhiều vướng mắc. Nhiệm vụ, quyền hạn giữa một số cơ quan chưa được phân định rành mạch, đặc biệt là phạm vi quản lý của 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, toàn bộ đơn vị sự nghiệp y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã đều thuộc Sở Y tế. Do vậy, UBND cấp huyện và phòng y tế không đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, khó quản lý nhà nước theo phân cấp, rất cần được phân tích, đánh giá toàn diện, sâu sát về mô hình tổ chức ngành Y tế.
Tổ chức cơ quan chuyên môn cấp huyện cũng chưa thật sát với yêu cầu quản lý có tính đặc thù của đô thị, nông thôn, hải đảo; chưa sát với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội từng địa phương. Ví dụ, ở cấp quận, phòng tài nguyên và môi trường thực chất chỉ còn chức năng tham mưu về đất đai, phòng kinh tế chỉ còn về lĩnh vực thương mại. Chức năng tham mưu về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, vật liệu xây dựng, giao thông của phòng quản lý đô thị lại ít tính thực tế vì chủ yếu do các sở thực hiện.
Số lượng biên chế công chức giao cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của tỉnh. Biên chế có hạn, kéo theo khó khăn trong sắp xếp cán bộ, công chức đi học, đào tạo, bồi dưỡng, nhất là học tập trung, dài hạn vì không có người thay thế, đảm nhiệm thay; ảnh hưởng đến công tác luân chuyển cán bộ. Trung ương cần xem xét, giao số lượng người làm việc phù hợp trên cơ sở số lượng người làm việc được đề nghị, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế. Đặc biệt, cần phân cấp mạnh về thẩm quyền quyết định tổ chức, biên chế, nguồn lực… để địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ. Trung ương cũng cần phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định số lượng người làm việc tại địa phương sau khi báo cáo Bộ Nội vụ.
Tại cuộc họp đoàn giám sát vừa qua, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị các vướng mắc, đặc biệt về vấn đề biên chế và tổ chức bộ máy. |
Ngoài ra, quy định những trường hợp có kinh nghiệm công tác được tuyển dụng đặc cách trở thành viên chức chưa cụ thể; điều kiện xét tuyển đặc cách chưa hợp lý. Pháp luật chỉ quy định thâm niên công tác với người có kinh nghiệm công tác là 3 năm (không tính thời gian tập sự, thử việc) để có thể tuyển dụng đặc cách mà không yêu cầu về trình độ. Vô hình trung, người có trình độ trung cấp có thể được tuyển dụng đặc cách; trong khi ở khu vực sự nghiệp - dịch vụ công, nhất thiết phải tuyển dụng người có trình độ chuyên môn cao.
Từ khi có quy định thi chuyên môn nghiệp vụ theo từng vị trí việc làm thay vì chỉ thi môn hành chính nhà nước, các địa phương, trong đó có Khánh Hòa, gặp khó trong xác định vị trí việc làm và xây dựng ngân hàng câu hỏi theo từng vị trí. Các bộ, ngành trung ương cũng chưa xây dựng được danh mục các vị trí việc làm; việc xây dựng ngân hàng câu hỏi nghiệp vụ chưa được hướng dẫn, nên mỗi nơi thực hiện một cách. Các bộ chuyên ngành cần hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức làm cơ sở tổ chức tuyển dụng, thi, xét thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Bộ Nội vụ cần xây dựng, hoàn thiện và công khai ngân hàng đề thi chuyên ngành, tin học, ngoại ngữ; sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp…
N.V