Chiều 28-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương làm việc tại Khánh Hòa về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.
. Thủ tướng đồng ý một số kiến nghị của tỉnh
Chiều 28-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương làm việc tại Khánh Hòa về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Dự buổi làm việc có các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Cần tập trung phát triển 3 mũi
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của tỉnh và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhiều nội dung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển toàn diện của tỉnh, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển mạnh dịch vụ, công nghiệp; giữ vững quốc phòng an ninh; quan tâm công tác an sinh, xã hội, việc làm. Những hạn chế của Khánh Hòa, theo Thủ tướng là vẫn còn những mâu thuẫn trong phát triển hạ tầng và các ngành kinh tế; ngoài ra, một số chỉ tiêu tăng trưởng chưa đạt, tỉnh cần nỗ lực hơn như giảm nghèo. Thủ tướng nhận định GDP từ du lịch vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng của địa phương; công tác quản lý du lịch vẫn còn nhiều bất cập và du lịch ở Khánh Hòa vẫn chưa thực sự trở thành hình mẫu phát triển du lịch bền vững của cả nước. Ngoài ra, các chỉ số về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn ở mức thấp so với yêu cầu, tỉnh cần tập trung chỉ đạo tốt hơn trong năm 2017.
Quang cảnh buổi làm việc |
Thủ tướng đề nghị, Khánh Hòa cần phải tập trung phát triển cả ba mũi: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp - nông thôn; thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp. Khánh Hòa cần đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 25.000 đến 30.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, phải xây dựng Khánh Hòa trở thành hình mẫu về chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp, người dân. Khánh Hòa phải phấn đấu lọt vào tốp đầu trong xếp hạng chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chính quyền phải cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ, tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Lãnh đạo tỉnh tặng quà lưu niệm cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo, trong phát triển, Khánh Hòa phải đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đồng thời, quản lý ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là du lịch, để du lịch thực sự là động lực phát triển, phải phấn đấu đến năm 2020, du lịch đóng góp từ 15 đến 20% tổng GDP. Tỉnh cũng cần tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn, nghiên cứu xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ du lịch, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; cần nghiên cứu hướng phát triển công nghiệp an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường; tăng cường quản lý quy hoạch, có sự điều chỉnh phù hợp, đồng bộ giữa hạ tầng và đô thị. Thủ tướng hoan nghênh chủ trương của Khánh Hòa di dời khu hành chính để nhường đất cho phát triển du lịch. Khánh Hòa cần tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lưu ý đảm bảo an toàn cho du khách; đặc biệt, phải xây dựng khu vực phòng thủ linh hoạt, tập trung xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Vừa điều chỉnh cục bộ vừa điều chỉnh quy hoạch chung Nha Trang
Nhằm tạo điều kiện cho tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận 53 của Bộ Chính trị, ông Lê Đức Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng, vốn thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng khung thể chế và quy hoạch tổng thể của Đề án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Khu kinh tế Vân Phong là mô hình mới ở nước ta, trước hết, yêu cầu tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có luật riêng cho khu kinh tế Bắc Vân Phong.
Về kiến nghị điều chỉnh cục bộ 13 khu vực trong đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025, Thủ tướng nhận định trong bối cảnh phát triển nhanh của tỉnh hiện nay, đồng ý cho tỉnh vừa điều chỉnh quy hoạch chung vừa cho điều chỉnh cục bộ. Về kiến nghị thu hồi Dự án Khu công nghiệp Nam Cam Ranh vì đã quá lâu không triển khai, Thủ tướng đồng ý chấm dứt vai trò của Vinashin, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giải quyết dứt điểm, giao lại đất cho tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với các kiến nghị của tỉnh về huy động vốn ODA và khẳng định nếu có nguồn ODA sẽ tạo điều kiện cho tỉnh vay lại. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành Trung ương xem xét các kiến nghị khác của tỉnh…
N.D - VĂN KỲ
Đồng ý bố trí vốn cho đường băng số 2
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh kiến nghị về việc thiếu vốn xây dựng đường băng số 2 Sân bay Quốc tế Cam Ranh. Dự án có vốn đầu tư 1.936 tỷ đồng, nhưng hiện nay, tỉnh không thể cân đối được nguồn vốn từ quỹ đất sân bay Nha Trang cũ để thực hiện dự án. Năm 2015, tỉnh đã tạm ứng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn tồn ngân Kho bạc Nhà nước để thực hiện dự án. Trong điều kiện ngân sách tỉnh hạn hẹp, từ năm 2016 đến nay chưa có nguồn vốn để tiếp tục bố trí đầu tư cho dự án này, dẫn đến chậm tiến độ. Vì thế, tỉnh kiến nghị xem xét, bố trí vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án là 968 tỷ đồng (50% tổng mức đầu tư). Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước tiếp tục cho tỉnh Khánh Hòa vay 500 tỷ đồng trong năm 2017 để thực hiện dự án. Nhận định dự án đường băng số 2 là ưu tiên số 1 của Khánh Hòa, Thủ tướng đồng ý kiến nghị của tỉnh; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải dùng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương giải quyết và tiếp tục cho vay vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước.