Trong khuôn khổ APEC 2017, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã tham gia Hội thảo về khuôn khổ di chuyển lao động. Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập nhiều giải pháp nâng cao trình độ lao động, cũng như hướng đến việc xây dựng thị trường lao động chung của APEC.
Trong khuôn khổ APEC 2017, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã tham gia Hội thảo về khuôn khổ di chuyển lao động. Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập nhiều giải pháp nâng cao trình độ lao động, cũng như hướng đến việc xây dựng thị trường lao động chung của APEC.
Chuyên gia Nilim Baruah trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị |
Hướng đến thị trường lao động chung
Theo báo cáo của Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), năm 2016 cả nước đưa đi được 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó, có 46.029 lao động nữ; chiếm 36,45%); vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2015. Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. |
Theo hội thảo, các nền kinh tế thành viên APEC có nhu cầu sử dụng lao động rất lớn, tuy nhiên việc trao đổi lao động vẫn còn những hạn chế. Đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã dành nhiều thời gian để đánh giá hiện trạng thị trường lao động ở các nước thành viên APEC; thảo luận việc xem xét công nhận bằng cấp, chứng chỉ về trình độ lao động để tạo sự thuận lợi trong việc dịch chuyển lao động. Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Ngọc Mai Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT) cho rằng, điều quan trọng hiện nay là thông tin về thị trường lao động. “Các nền kinh tế cần tăng cường cung cấp thông tin về thực tế lao động cho nhau thì các bên mới biết để có thể đào tạo, đưa nguồn lao động “chảy” qua lại. Nếu chúng ta ngần ngại khai báo thông tin thì không thể vận hành bền vững được nhu cầu lao động. Điều này yêu cầu doanh nghiệp cần tăng cường khai báo về lao động” - bà Phương bày tỏ.
Ông Nilim Baruah - chuyên gia cấp cao về vấn đề lao động di cư của Tổ chức Lao động quốc tế ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tại hội thảo các đại biểu cũng đã trao đổi để xây dựng khuôn khổ dịch chuyển lao động trong APEC: “APEC cũng nhắm tới việc cho phép người lao động dịch chuyển trong các nền kinh tế thành viên APEC. Điều này sẽ giúp người lao động dễ dàng di chuyển, tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, để làm điều này đương nhiên APEC phải xây dựng một chuẩn chung dành cho người lao động, các thanh viên APEC phải công nhận bằng cấp, chứng chỉ đào tạo của nhau”. Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Mạc Văn Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐTBXH) bày tỏ: “Từ lâu, công dân Australia, Canada (những nước có trình độ đào tạo cao)... có thể làm việc bất cứ ở đâu. Đã đến lúc, chúng ta phải hướng đến việc đào tạo trình độ cao, đáp ứng chuẩn quốc tế, mà trước hết là các nền kinh tế APEC”.
Lao động Việt Nam tay nghề còn thấp
Theo PGS. TS Mạc Văn Tiến, hiện nay, Việt Nam đưa 100.000 lao động/năm sang làm việc ở các nước, tuy nhiên số lao động có tay nghề của Việt Nam chỉ đạt 30%, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Điều này đã hạn chế rất nhiều trong việc tìm việc làm, cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu. Đơn cử như thị trường Nhật Bản do dân số già nên rất cần lao động, nhưng tiêu chuẩn của họ rất khắt khe nên chỉ có một số ít lao động Việt Nam được tuyển dụng và cũng làm ở những lĩnh vực có trình độ không quá cao.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị |
Ông Nilim Baruah cho biết, thị trường lao động có 3 cấp độ tay nghề gồm: lao động có tay nghề cao, tay nghề trung bình và thấp. Hiện lao động Việt Nam chủ yếu có trình độ tay nghề thấp. Lao động dịch chuyển của Việt Nam đến chủ yếu các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia...
Theo ông Nilim Baruah, muốn thay đổi chất lượng nguồn nhân lực cũng như việc xuất khẩu lao động, Việt Nam cần phải thay đổi chiến lược giáo dục, đào tạo. “Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên rất cần nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, Việt Nam không nên đào tạo lao động với mục đích xuất khẩu đi nước ngoài, thay vào đó phải xây dựng khung đào tạo để tạo ra đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng cao đủ năng lực làm việc trong và ngoài nước”, ông Nilim Baruah nói.
Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dẫn chứng: Ấn Độ có rất nhiều kỹ sư công nghệ thông tin đi làm ở nước ngoài. Tuy nhiên, nền giáo dục của Ấn Độ không nhắm đến việc đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, thay vào đó xây dựng chương trình đào tạo để tạo nên những lao động có kỹ năng cao có thể dễ dàng tìm kiếm công việc, còn làm việc trong nước hay nước ngoài là sự lựa chọn của người lao động. Gần với quan điểm này, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng: “Việt Nam cần hướng đến việc đào tạo lao động có trình độ cao, thích ứng được với công việc khi công nghệ thay đổi. Nếu chỉ chú trọng đào tạo một nghề nào đó, khi nhu cầu thị trường lao động thay đổi thì sẽ rất khó để kiếm việc làm”.
Năm 2016, hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế tại một số nước khu vực Tây Á - Châu Phi, đặc biệt là các nước vùng Vịnh vẫn chưa phục hồi nên nhiều lao động không có việc làm phải về nước trước thời hạn; Chính phủ Malaysia đưa ra chủ trương tạm dừng tuyển chọn mới lao động nước ngoài (từ tháng 2 đến tháng 8-2016) nên việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia bị chững lại. Cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động ngày càng gay gắt.
Công tác tuyển nguồn lao động của các doanh nghiệp gặp khó, phần lớn người lao động có nhu cầu tham gia các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc trong khi trình độ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, hết hạn hợp đồng không về nước như ở Hàn Quốc và Đài Loan vẫn còn phổ biến và ảnh hưởng xấu đến việc mở rộng thị trường.
THÀNH NGUYỄN