12:02, 10/02/2017

Học tập "Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, về đại đoàn kết dân tộc" để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất. Trong lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định: Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng.

. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

 

Tư tưởng lấy dân làm gốc


Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất. Trong lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định: Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Tin ở dân, dựa vào dân, tổ chức và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng được Bác vận dụng và phát triển trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của nhân dân được minh chứng trong quá trình lãnh đạo cách mạng ở Bác: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Thực tế cách mạng Việt Nam đã chứng minh sức mạnh vĩ đại của nhân dân trong đấu tranh đập tan chế độ thực dân, đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tất cả để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn 40 năm đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc kiến tạo quê hương đất nước đã thu được nhiều thành tựu vô cùng to lớn. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được đáp ứng, giữ vững độc lập chủ quyền đất nước. Cả nước đã và đang phấn khởi, tự hào, vượt qua khó khăn gian khổ, nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, giàu mạnh và văn minh.

 


Trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như quá trình xây dựng đất nước, tư tưởng: “Lấy dân làm gốc” của Bác luôn được Đảng ta vận dụng sáng tạo, linh hoạt. Chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại luôn hướng đến lợi ích của dân tộc, của đất nước và của mọi người dân. Chính vì vậy, hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận cao, hăng hái phấn khởi lao động sản xuất, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, người dân vẫn còn bất bình, có lúc giảm niềm tin đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên yếu về trình độ, năng lực, thiếu ý thức trách nhiệm hoặc thoái hóa, biến chất; một bộ phận cán bộ tác phong quan liêu, xa dân, gia trưởng, độc đoán chuyên quyền, thậm chí còn trù dập, ức hiếp quần chúng. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt mục tiêu đề ra; một số dự án phát triển kinh tế bị thất thoát, thua lỗ, hiệu quả thấp; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chưa đạt như mong muốn; công tác cán bộ có nhiều dấu hiệu bất bình thường, thiếu kiểm tra, kiểm soát, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ chưa được cải thiện đáng kể. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một việc làm hết sức cấp bách và có ý nghĩa sống còn để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, khẳng định vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta.


Đại biểu dân cử phải tất cả vì dân


Là cán bộ, đảng viên, là đại biểu dân cử các cấp, trong mỗi người chúng ta luôn có ý thức sửa đổi lề lối, phong cách làm việc như thế nào để gần dân, sát dân, trọng dân và tất cả vì dân. Đại biểu HĐND các cấp, trước hết là phải sửa đổi cách tiếp xúc cử tri, đổi mới hoạt động giám sát, dân chủ trong hoạt động chất vấn, tham gia xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương, vừa đảm bảo lợi ích người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế ở mỗi địa phương và thúc đẩy sự khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân.

 

Một phiên họp tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa VI
Một phiên họp tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa VI


Trước tiên, học tập và sửa đổi phong cách làm việc theo tấm gương của Bác, đó là một phong cách hết sức dân chủ, khoa học, một phong cách quần chúng, luôn luôn gần dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân. Đại biểu HĐND phải luôn gần gũi với nhân dân (nơi cư trú, nơi làm việc, nơi ứng cử, nơi sinh hoạt các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp…) để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Về hình thức tiếp xúc với cử tri, đại biểu có thể liên hệ MTTQ Việt Nam xã, phường tạo điều kiện để gặp gỡ, trao đổi với người dân khu dân cư, tổ chức đối thoại, cung cấp thông tin cho cử tri hoặc cá nhân đại biểu có thể trực tiếp gặp gỡ thăm hỏi, giao tiếp qua điện thoại, thư tín… Tiếp xúc cử tri (trước và sau mỗi kỳ họp) mới tiến hành thực hiện theo luật định, điều quan trọng nhất là phải cải tiến nội dung, hình thức, đối tượng tiếp xúc như thế nào? Những vấn đề đại biểu được thông tin và ghi nhận tại các cuộc tiếp xúc cử tri theo nhóm, theo lĩnh vực, theo giới… là một kênh cung cấp thông tin quý giá cho đại biểu, chẳng hạn như: những bất cập trong chế độ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trợ giá cho diêm dân; chính sách khuyến công; sinh hoạt phí cho cán bộ thôn, tổ dân phố; vấn đề vệ sinh môi trường các khu dân cư, giao thông, trật tự đô thị… Như vậy, tư tưởng trọng dân, tin dân, gần dân được thể hiện từ việc tiếp thu những nguyện vọng của dân, để mỗi đại biểu tham gia giám sát, chất vấn, đề xuất các chính sách phù hợp với thực tế. Bác nói: “Có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng”. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết được ban hành, chính sách có hiệu lực thì phải được triển khai tốt để đi vào cuộc sống, điều đó gắn liền với hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Hoạt động giám sát phải đến tận nơi, xem tận chỗ, kết luận giám sát phải được công khai, minh bạch, phải xem xét xử lý, tránh trường hợp “giám” mà không “sát”, “sát” mà không “giám”. Để hoạt động giám sát có chất lượng, hiệu quả pháp lý cao thì thành phần đoàn giám sát (bao gồm các đại biểu HĐND, có thể mời thêm các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực), nội dung giám sát (về những vấn đề bức xúc nhất, các chính sách, pháp luật ảnh hưởng đến đại bộ phận nhân dân, khu dân cư, trật tự đô thị …), hình thức giám sát (sâu sát cơ sở, thực tiễn…), các hình thức phản biện phải luôn được đổi mới. Một hình thức giám sát khác (không theo định kỳ) là thực hiện “những việc cần làm ngay” khi đại biểu tiếp nhận phản ánh qua các cơ quan báo chí, phản ánh của người dân. Sinh thời, Bác Hồ khi đọc báo, nghe đài hay nhận được thư phản ánh của nhân dân, Bác dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển gấp các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu giải quyết và báo cáo lại với Bác. Là đại biểu của dân, phong cách làm việc sâu sát, kiểm tra, giám sát thường xuyên giúp cho chúng ta có thông tin chính xác, kịp thời có những giải pháp phù hợp với nguyện vọng của dân, thể hiện trách nhiệm chính trị với lời hứa của người đại biểu nhân dân.


Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về phong cách làm việc của Bác, mỗi đại biểu HĐND cần có những chương trình cụ thể để đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri gần dân, sát dân hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật nhà nước, đảm bảo dân chủ, công bằng, minh bạch, tham gia hoạch định các chính sách phù hợp với thực tế là góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý kiến, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.


N.T.T