Sáng 11-1-1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Thống Nhất. Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ.
Sáng 11-1-1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Thống Nhất. Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Tết trồng cây bắt đầu từ 56 năm trước thể hiện một tầm nhìn vượt trước thời đại về bảo vệ môi trường của một thiên tài luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt thực tiễn.
Thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ trước, khi đó thế giới đang bị cuốn theo cuộc chạy đua chiến tranh lạnh của 2 siêu cường, cuốn theo các điểm nóng về đấu tranh giải phóng dân tộc… Đất nước ta khi đó còn bị chia cắt, nhiệm vụ hàng đầu là đấu tranh thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải đấu tranh chống lại những tai họa của thiên nhiên, quan tâm đến việc trồng cây và bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Theo Bác, trồng cây ngoài ý nghĩa to lớn là để cho môi trường tự nhiên và quang cảnh đất nước trở nên tươi đẹp hơn thì còn ý nghĩa thiết thực nữa là để chuẩn bị lấy gỗ làm nhà ở cho nhân dân. Có thể nói, đây chính là tư tưởng, tầm nhìn đi trước thời đại của một thiên tài, bởi cho đến những năm gần đây, thế giới mới nóng lên vấn đề bảo vệ môi trường, đến phát triển bền vững…
Bác Hồ trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất mở đầu Tết trồng cây do Người phát động |
Ngày 30-5-1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên Báo Nhân Dân số 1901. Bác chỉ ra: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Ngày 28-11-1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và mong muốn trong 10 năm đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đồng thời đề nghị tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.
Sáng 11-1-1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Để rồi từ đó, hàng năm, cứ dịp Tết Nguyên đán, các địa phương lại nô nức tổ chức Tết trồng cây. Với Bác, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức Tết trồng cây. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ Tết trồng cây với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”.
Mùa xuân năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây, nhưng Bác kiên quyết không chịu. Bác nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”. Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt. Hiện nay, cây đa cuối cùng mà Bác trồng ở Vật Lại vẫn hàng ngày tỏa bóng mát che đời, trở thành lời dặn dò sống động của Bác về phong trào trồng cây.
Ngày nay, thế giới mà trực tiếp là nước ta đã thực sự đứng trước những hậu quả khó lường của biến đổi khí hậu. Mưa lũ năm nào cũng diễn ra, ngày càng cực đoan hơn, hậu quả khốc liệt hơn mà nguyên nhân được khẳng định là do nạn phá rừng. Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ra lệnh đóng cửa rừng toàn quốc. Đến lúc này ta mới càng thấm thía hơn lời kêu gọi trồng cây của Người từ hơn nửa thế kỷ trước!
Bác Hồ kính yêu đã đi xa. Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.
TRẦN DUY