09:01, 23/01/2017

Chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số

Ngày 23-1, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp mặt các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số của tỉnh Khánh Hòa đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong cả nước nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017.

Ngày 23-1, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp mặt các học sinh, sinh viên (HS-SV) người dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Khánh Hòa đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong cả nước nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017. Đến dự có các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Quan tâm chăm lo


Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho HS-SV người DTTS cắp sách đến trường. Năm học 2016 - 2017, 100% trường mầm non của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ người DTTS từ 3 đến 5 tuổi với mức 290.000 đồng/tháng/trẻ. Ngoài ra, UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư xây bếp ăn, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cho 4.380 HS tiểu học người DTTS. UBND tỉnh cũng thành lập Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh và Khánh Sơn để có điều kiện chăm lo việc ăn ở và học nghề cho HS DTTS.  

 

Đồng chí Lê Thanh Quang (bìa trái) và đồng chí Lê Xuân Thân trao thưởng cho các học sinh, sinh viên đạt loại giỏi
Ông Lê Thanh Quang (bìa trái) và ông Lê Xuân Thân trao thưởng cho các học sinh, sinh viên đạt loại giỏi


Đối với HS DTTS cấp THCS, THPT, mức hỗ trợ là 230.000 đồng/tháng đối với THCS, 290.000 đồng/tháng đối với THPT. Các em học phổ thông dân tộc nội trú còn được cấp trang phục cùng số tiền bằng 80% mức lương cơ sở. Riêng HS-SV DTTS của tỉnh theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học được hỗ trợ 840.000 đồng/tháng đối với hệ trung cấp, cao đẳng; 1.050.000 đồng/tháng đối với hệ đại học. HS-SV được cử đi học theo chế độ cử tuyển, ngoài các chế độ của tỉnh còn được hưởng các chế độ theo quy định của Chính phủ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.


Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trên, theo quy định của Chính phủ, hàng tháng, HS-SV là người DTTS thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo còn được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức tiền lương cơ sở khi đi học đại học, cao đẳng; hưởng chính sách nội trú bằng 100% mức tiền lương cơ sở khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ ngày 1-12-2015, trẻ em học mẫu giáo và HS-SV người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được giảm 70% học phí. Riêng HS-SV học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người DTTS thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được miễn học phí. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 32/2016 của HĐND tỉnh, kể từ học kỳ II năm học 2016 - 2017, trẻ em học mẫu giáo, HS phổ thông là người DTTS tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được hỗ trợ để không phải đóng học phí.

 

Đồng chí Nguyễn Đắc Tài trao phần thưởng của UBND tỉnh cho các học sinh, sinh viên đạt loại giỏi
Ông Nguyễn Đắc Tài trao phần thưởng của UBND tỉnh cho các học sinh, sinh viên đạt loại giỏi


Những kết quả đáng khích lệ


Nhờ sự quan tâm sâu sát, kịp thời của tỉnh và các cấp, ngành, những năm qua, sự nghiệp giáo dục của 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các địa bàn miền núi của tỉnh đã có những khởi sắc và gặt hái được một số thành quả đáng khích lệ cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Năm học 2016 - 2017, có 392 HS-SV người DTTS của tỉnh theo học tại 38 trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên cả nước, tăng 5 trường so với năm trước. Trong đó, SV đại học chiếm 24%; cao đẳng 54,6%, trung cấp 21,4%. Các ngành nghề HS-SV theo học gồm: sư phạm, kinh tế, luật, văn hóa - nghệ thuật, du lịch, y tế, kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nông lâm, hành chính, an ninh... Trong đó, ngành sư phạm có 119 em, chiếm 30,4%; ngành y có 46 em, chiếm 11,7%; các ngành kỹ thuật có 101 em, chiếm 25,8%; tập trung chủ yếu ở các trường: Đại học Khánh Hòa, Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Đại học Quy Nhơn, Đại học Y dược - Đại học Huế, Cao đẳng Y tế Khánh Hòa và các trường trung cấp, cao đẳng nghề. So với năm học trước, SV theo học ngành sư phạm giảm 21,3%; HS-SV theo học ngành y dược tăng 5,1%, các ngành kỹ thuật tăng 20,1%. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định: “Những con số trên cho thấy công tác hướng nghiệp, phân luồng; việc chăm lo học hành cho con em đồng bào DTTS ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đúng mức, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ thuộc các ngành nghề khác nhau, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi”.

 

Đại diện sinh viên tặng hoa cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo
Đại diện sinh viên tặng hoa cho các vị lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo


Năm học 2015 - 2016, tuy vẫn có HS-SV có kết quả học tập yếu, kém, lưu ban, có SV phải chấm dứt đào tạo, song nhìn chung chất lượng học tập của HS-SV DTTS trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên. Tổng số HS-SV của tỉnh đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước đạt kết quả học tập khá, giỏi là 126 em, tăng 6 em so với năm học 2014 - 2015. Trong đó, có 4 em đạt loại giỏi, 122 em đạt loại khá. Chia sẻ tại buổi họp mặt các HS-SV người DTTS, em Cao Thị Nghiêm - SV Trường Đại học Quy Nhơn, một trong những SV giỏi cho biết: “Sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và các sở, ban, ngành là nguồn động viên, khích lệ to lớn để chúng em vượt qua khó khăn, yên tâm học tập. Chúng em sẽ tiếp tục cố gắng để đạt thành tích cao hơn nữa”.


Trong số các SV người DTTS đã tốt nghiệp, nhiều em đã trở về công tác, xây dựng quê hương. Bo Bo Thiên, tốt nghiệp ngành sư phạm Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn (niên khóa 2009 - 2013), hiện là giáo viên Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn chia sẻ: “Khi còn là SV, em đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, động viên của các cấp, ngành. Khi ra trường, em được tỉnh quan tâm, bố trí công việc để trở thành thầy giáo dạy cho những HS DTTS ngay trên quê hương mình. Với sự hỗ trợ, quan tâm kịp thời về mọi mặt của các cấp, ngành, em tin rằng các HS-SV sẽ đạt nhiều kết quả cao hơn nữa để có việc làm ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng quê hương”.


H.NGÂN

 


 

Năm 2016, tổng kinh phí UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện chế độ cho HS-SV DTTS hơn 2 tỷ đồng.


Tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Thanh Quang khen thưởng HS-SV xếp loại học tập giỏi 2,5 triệu đồng/HS; loại khá 1 triệu đồng/HS. UBND tỉnh khen thưởng mỗi SV đại học đạt loại giỏi số tiền 600.000 đồng, loại khá 400.000 đồng; HS-SV hệ trung cấp, cao đẳng đạt loại giỏi được tặng 400.000 đồng, loại khá 300.000 đồng.

_________________________________



Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Lê Thanh Quang đã động viên các HS-SV tiếp tục nỗ lực học tập để đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành và đoàn thể tiếp tục quan tâm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS để các em lựa chọn được ngành học và nghề nghiệp phù hợp. Trong đó, tiếp tục giảm dần số lượng theo học ngành sư phạm và tăng số lượng HS-SV theo học các ngành nông - lâm nghiệp...