. Ông Lê Hữu Thọ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa
- Xin ông cho biết về các chính sách tạo việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay?
. Ông Lê Hữu Thọ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa
- Xin ông cho biết về các chính sách tạo việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay?
- Chúng ta cần tách 2 nhóm đối tượng người lao động (NLĐ) khác nhau, đó là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường và đồng bào DTTS. Vì hiện nay, NLĐ là đồng bào DTTS đã được Trung ương và địa phương triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ tạo việc làm nói riêng như: hỗ trợ vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ xuất khẩu lao động; chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ khu vực nông thôn...
Đối với NLĐ là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, hiện Trung ương và địa phương chưa có chính sách dành riêng cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, các đối tượng này đều là lực lượng lao động của xã hội nên được hưởng những chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của Luật Việc làm như: chính sách việc làm công, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước thực hiện trên địa bàn cấp xã; chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho NLĐ ở khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chính sách xuất khẩu lao động của Trung ương và của tỉnh.
Cùng với đó là những hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó ưu tiên cho NLĐ là đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.
Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết số 13 năm 2015 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2239 năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1792 năm 2016 ban hành Quy chế hỗ trợ vay vốn từ ngân sách tỉnh đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Các chính sách này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ của tỉnh.
Cùng với đó UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2016 của Chính phủ; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm mới. Theo báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu lao động việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2016-2018, mỗi năm có 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, nhu cầu tuyển mới lao động của các doanh nghiệp bình quân mỗi năm là 17.000 người.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phát triển thông tin thị trường lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa thực hiện dự báo thông tin thị trường lao động 6 tháng và hàng năm. Qua đó, thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động và chỗ làm việc trống, việc tìm người, người tìm việc trên trang thông tin điện tử www.vieclamkhanhhoa.com.vn. Ngoài ra, NLĐ trên địa bàn tỉnh còn có thể tìm hiểu thêm thông tin lao động - việc làm của tỉnh tại trang thông tin điện tử: http://www.nguonnhanluc.khanhhoa.gov.vn.
- Cử tri kiến nghị tỉnh cần có chính sách ưu tiên về giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ sau khi về lại địa phương, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo Quyết định số 14 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan tiếp nhận thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng và chế độ trợ cấp 1 lần cho đối tượng này. Hiện nay, số đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 57 người.
Bộ đội xuất ngũ là lượng lao động của xã hội nên được hưởng những chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của pháp luật như đã nêu ở trên.
Thực tế, tỉnh cũng rất quan tâm đến NLĐ là bộ đội xuất ngũ, đó là những người có sức khỏe tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có ý chí, hoài bão nên chính sách hỗ trợ vay vốn đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà tỉnh đang triển khai (cho vay 100% chi phí đi xuất khẩu lao động, với lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cho vay hộ nghèo) là rất phù hợp. Các địa phương cần đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cho đối tượng bộ đội xuất ngũ.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)