11:12, 13/12/2016

Thảo luận nhiều vấn đề về nông nghiệp, nông thôn

Trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, các đại biểu đã thảo luận về các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp...

Trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, các đại biểu đã thảo luận về các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp; trong đó nổi bật là việc bổ sung thêm 5 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.


Bổ sung 5 xã nông thôn mới


Trong phiên làm việc buổi sáng, đại diện UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07 năm 2016 của HĐND tỉnh về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ bổ sung, sửa đổi mục tiêu cụ thể, bố trí nguồn nhân lực trong chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2016-2020. Về mục tiêu cụ thể, theo đề nghị của các địa phương bổ sung thêm 5 xã từ danh sách các xã dự phòng đạt chuẩn giai đoạn 2016-2020, gồm: Ninh Sơn, Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa), Cam An Bắc, Cam An Nam (Cam Lâm) và Sơn Bình (Khánh Sơn). Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Khánh Hòa có 58/94 xã (61,7% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Về nguồn lực thực hiện chương trình, dự kiến tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 qua bổ sung, sửa đổi mục tiêu cụ thể là 3.108,610 tỷ đồng (Nghị quyết 07 là 3.019,487 tỷ đồng).

 

Chủ tọa điều hành kỳ họp
Chủ tọa điều hành kỳ họp


Cho ý kiến về Nghị quyết này, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề: UBND tỉnh đề nghị bổ sung thêm 5 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vậy các huyện đã chuẩn bị, đã sẵn sàng hay chưa hay là do cấp tỉnh ấn định xuống? Cấp huyện cần phải nhìn nhận vấn đề này, bởi vì khi đã đưa vào danh sách, ngoài ngân sách hỗ trợ của tỉnh thì bản thân cấp huyện, cấp xã cũng phải tính toán, trong đó có sự tính toán về đóng góp của nhân dân. Sau khi HĐND tỉnh thông qua việc bổ sung 5 xã trên vào danh sách các xã đạt chuẩn, các địa phương phải có kế hoạch, lộ trình để xây dựng các xã này đạt chuẩn trong giai đoạn 2016-2020.


Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Theo Nghị quyết số 07, mục tiêu cụ thể của chương trình là đến năm 2020 có 53/94 xã (56,4% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, tháng 8-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1600 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đến năm 2020 phấn đấu có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được tỷ lệ này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh đưa 5 xã dự phòng nêu trên vào danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nâng số đạt chuẩn vào năm 2020 trên toàn tỉnh lên 58 xã (chiếm 61,7%). Đối với 5 xã mới bổ sung, các địa phương đã rà soát và chuẩn bị nguồn lực, đề nghị bổ sung vào danh sách đạt chuẩn để phấn đấu thực hiện.

Sau khi thảo luận, HĐND tỉnh đã biểu quyết và thống nhất thông qua Nghị quyết này.


Thêm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp


Theo nội dung tờ trình và dự thảo Nghị quyết được UBND tỉnh trình về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, sẽ có các chính sách gồm: hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP); hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ xây mới, cải tạo cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ sản xuất diêm nghiệp; hỗ trợ hoạt động ngành nghề nông thôn. Dự kiến, tổng vốn đầu tư để triển khai thực hiện chính sách là 309,958 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 125,623 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đối ứng 22,5 tỷ đồng, vốn nhân dân đối ứng là 161,835 tỷ đồng.

 

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết

 

Ông Lê Tấn Bản cho hay: “Mục tiêu của chính sách nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng; khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực đầu tư cho phát triển”.


Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngô - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chia sẻ: “Tôi kỳ vọng rất lớn vào các chính sách này, nhất là chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, cần có sự quan tâm để Nghị quyết có thể đi vào cuộc sống. Như Nghị quyết thiết kế chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cho tổ chức hoặc cá nhân thực hiện chuyển đổi hoặc liên kết chuyển đổi cây trồng theo đề án được duyệt với quy mô từ 2ha trở lên đối với cây hàng năm và 5ha trở lên đối với cây lâu năm thì đối tượng được hỗ trợ chủ yếu là hộ khá giả, vậy hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít đất sản xuất thì có được thụ hưởng chính sách này hay không? Cần lưu ý thêm về vấn đề này”.


Liên quan đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ này, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân lưu ý thêm về phương pháp tổ chức thực hiện các chính sách để tránh tình trạng vốn ít nhưng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực. Khi tổ chức thực hiện cần xem xét có sự lồng ghép, tổng hòa với các chương trình, kế hoạch mà các ngành khác đang triển khai thực hiện để nâng cao hiệu quả hỗ trợ.


Sau khi các đại biểu thảo luận, đại diện UBND tỉnh đã báo cáo tiếp thu giải trình thêm một số nội dung các đại biểu thảo luận; các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này.


HẢI LĂNG - VĂN KỲ (Ghi)