11:12, 12/12/2016

Tập trung xử lý tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết...

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:

 


Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, giám sát, quản lý công tác an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.


- Công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn hiện nay như thế nào, thưa ông?


- Hiện nay, toàn tỉnh có gần 570 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 212 cơ sở chăn nuôi heo, 184 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 22 cơ sở chăn nuôi chim cút, 25 cơ sở chăn nuôi bò, 10 cơ sở chăn nuôi dê cừu, 1 cơ sở chăn nuôi đà điểu, 116 nhà nuôi chim yến. Trước đây, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, nhưng từ năm 2012 đến nay, chăn nuôi theo hướng công nghiệp phát triển mạnh, tăng về số lượng (đặc biệt là chăn nuôi heo với 175 trang trại theo hình thức công nghiệp có quy mô lớn), đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.


Thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh như: hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, từng bước hướng các cơ sở chăn nuôi tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn; thực hiện công tác tiêm phòng, kiểm tra vùng chăn nuôi trọng điểm, cơ sở đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân các biện pháp cảnh báo sớm khi phát hiện gia súc, gia cầm chết trên địa bàn nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ giai đoạn chăn nuôi đến khi giết mổ. Đối với những trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì có biện pháp xử lý kiên quyết và kịp thời.  


- Thưa ông, trước kỳ họp này, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý quyết liệt và có chế tài xử lý hình sự đối với tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể như thế nào về vấn đề này?


- Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh vào ngày 24-11, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành, có trọng tâm, trọng điểm vào các đợt cao điểm. Việc triển khai kế hoạch phải linh hoạt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp và tình hình thực tế; phải xác định được mục tiêu, nội dung, giải pháp và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi cao. Trong quá trình kiểm tra cần chú ý nguồn gốc xuất xứ phụ gia thực phẩm, các loại hóa chất cấm. Nếu phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở vi phạm. Trường hợp cần thiết, các sở, ngành, địa phương chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để xem xét chỉ đạo theo thẩm quyền. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối chủ trì, làm việc cụ thể với từng đơn vị, địa phương để trao đổi, thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo, cũng như không bỏ sót đối tượng.


- Xin ông cho biết một số kết quả công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở thực phẩm trong thời gian qua?


- Năm 2016, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, bánh Trung thu, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, các trường học có bếp ăn bán trú, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh…


Cụ thể, đối với dịp Tết Trung thu, đã tổ chức 117 đoàn thanh tra, kiểm tra cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã, tiến hành kiểm tra 76 cơ sở sản xuất, chế biến; 603 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 1.150 cơ sở dịch vụ ăn uống. Kết quả, 40/76 cơ sở sản xuất, chế biến đạt an toàn thực phẩm (chiếm 52,63%), 603/776 cơ sở kinh doanh thực phẩm đạt an toàn thực phẩm (chiếm 77,71%) và 780/1.150 cơ sở dịch vụ ăn uống đạt an toàn thực phẩm (chiếm 67,77%). Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 131 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 379 triệu đồng.


Đối với Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm, tại tuyến tỉnh đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm, 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, 14 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập 12 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 412 cơ sở tại địa phương, trong đó có các trường học có bếp ăn bán trú. Kết quả, hầu hết các trường học đều đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đã xử lý vi phạm hành chính 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống không xét nghiệm sản phẩm định kỳ và 19 cơ sở có mẫu không đạt chất lượng; xử lý 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm.


Tất cả các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đều được đoàn kiểm tra lập biên bản và thông báo cho cơ sở, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan biết, đồng thời công bố công khai thông tin các cơ sở vi phạm trên Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa và các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện để người dân biết.


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)