Trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, nhiều vấn đề "nóng" mà dư luận, cử tri quan tâm đã được đại biểu HĐND tỉnh nêu ra để lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh trả lời.
Trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, nhiều vấn đề “nóng” mà dư luận, cử tri quan tâm đã được đại biểu HĐND tỉnh nêu ra để lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh trả lời. Phóng viên Báo Khánh Hòa lược ghi một số nội dung.
Nâng cao chỉ số PCI
Đại biểu Trần Văn Hoan - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh chất vấn vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tụt hạng liên tục trong 2 năm 2014, 2015? Trách nhiệm của UBND tỉnh, của các sở, ngành đối với vấn đề này? UBND tỉnh có cam kết gì để cải thiện chỉ số PCI?
Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2015, VCCI Việt Nam xếp chỉ số PCI của tỉnh ở vị trí 27/63 tỉnh, thành, giảm 11 bậc so với năm 2014. Điều này cho thấy mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) đối với chính quyền còn thấp. Trong đó, chúng ta chưa minh bạch, công khai theo quy định về các thông tin, cơ chế, chính sách. Nhiều DN phản ánh quá khó tiếp cận thông tin, thủ tục hành chính, giao đất, cho thuê đất, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh. Điều này cho thấy dịch vụ hành chính công còn trì trệ; thủ tục hành chính khi giải quyết phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ; thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài; cán bộ, công chức năng lực còn hạn chế, trong đó có nhiều trường hợp gây nhũng nhiễu, khó khăn, có khi DN phải bồi dưỡng. Những tồn tại này đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Hơn nữa, trách nhiệm của người đứng đầu là chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến các quy trình không được kiểm soát, người thực thi công vụ vì lợi ích đã tùy tiện trong giải quyết hồ sơ, dẫn đến tình trạng kéo dài, thái độ giải quyết không đúng mực. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số PCI tụt giảm trong năm 2015.
Trách nhiệm đầu tiên và trước hết thuộc về chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Việc chỉ đạo, lãnh đạo chưa kịp thời, chưa kiên quyết. Chúng ta có tổ chức đối thoại với DN, nhưng sau những buổi đối thoại hiệu quả giải quyết vẫn còn hạn chế. Cơ quan chức năng chưa kiên quyết xử lý chấn chỉnh những đơn vị, tổ chức, cá nhân trong khi thực thi công vụ không hoàn thành nhiệm vụ, gây nhũng nhiễu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Thứ hai, tỉnh chỉ đạo chưa sát sao, chưa theo kịp những diễn biến thực tế, chưa kiểm tra đối với các sở, ban, ngành trực thuộc trong vấn đề cải cách hành chính. Thứ ba, lãnh đạo cũng chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển thực tế và khối lượng công việc ngày càng nhiều.
Về trách nhiệm của các ngành, ông Lê Đức Vinh cho biết, qua đánh giá của tỉnh cho thấy một số sở, ngành có chỉ số hài lòng rất thấp. Trách nhiệm này thuộc về một số sở liên quan như: Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng…
Năm 2016, tỉnh đã ban hành kế hoạch nhằm xây dựng môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành, các đơn vị. Tỉnh đã tiến hành gặp gỡ DN 2 lần để lắng nghe, tháo gỡ bức xúc của DN. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư thành lập đường dây nóng cho DN; Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng trang web đồng hành cùng DN; Sở Nội vụ thành lập trung tâm dịch vụ công. Tỉnh đã đề nghị tiến hành hợp nhất Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN với Trung tâm Xúc tiến du lịch để hình thành Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc tỉnh để hỗ trợ DN tốt hơn, hiệu quả hơn. Tỉnh đã ban hành 265 quy định về thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Quy định này quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan liên quan, của các cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, cũng ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát kết quả giải quyết hồ sơ của các đơn vị.
Ủng hộ hình thức xét tuyển vào lớp 10
Đại biểu Lương Hùng Minh - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết có thể áp dụng hình thức thi tuyển vào các trường THPT tại TP. Nha Trang được không? Những hạn chế, vướng mắc của hình thức thi tuyển vào THPT?
Ông Lê Tuấn Tứ |
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, hình thức thi tuyển hay xét tuyển đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Căn cứ vào thực tế kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống của người dân và việc quản lý dạy và học, tạo thuận lợi cho học sinh (HS)…, việc lựa chọn hình thức xét tuyển là phù hợp, ngành GD-ĐT ủng hộ hình thức này.
Qua triển khai thực tế 4 năm qua, hình thức xét tuyển có nhiều ưu điểm như: kiểm tra, kiểm soát được quá trình học tập và rèn luyện của HS; đảm bảo được GD toàn diện, vừa dạy chữ vừa dạy người, tránh học lệch môn; giảm áp lực thi cử cho HS, giảm tốn kém cho Nhà nước và xã hội… Trên địa bàn TP. Nha Trang không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Xét về chất lượng GD, qua 4 năm tổ chức xét tuyển, tỷ lệ HS giỏi ở cấp THCS mỗi năm chỉ tăng 1 - 2% chứ không phải tăng đột biến, chỉ 30% HS giỏi ở cấp THCS, con số này là quá ít chứ không như nhận định của nhiều người là nếu duy trì hình thức xét tuyển thì tỷ lệ HS giỏi ở cấp THCS sẽ tăng cao. Nếu so sánh chất lượng HS Khánh Hòa với cả nước và khu vực duyên hải miền Trung, chất lượng GD Khánh Hòa không thua kém. Qua 4 năm xét tuyển, tỷ lệ HS Khánh Hòa đỗ vào các trường đại học tăng cao, là 1 trong 10 địa phương có tỷ lệ HS đỗ vào các trường đại học cao nhất cả nước, năm 2015 là 58,17% (tăng 30% so với năm 2013). Nếu cho rằng chất lượng ảo, thầy cô giáo nâng điểm thì không thể có chất lượng GD, tỷ lệ đậu vào đại học cao như vậy.
Việc thi tuyển hay xét tuyển hay kết hợp cả 2 hình thức này là thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT sẽ căn cứ cơ sở quản lý dạy và học, sản phẩm trong lĩnh vực GD-ĐT để tham mưu kịp thời chính sách thúc đẩy phong trào học tập trên địa bàn tỉnh.
Trách nhiệm của ngành Y tế trong dịch sốt xuất huyết
Đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nêu câu hỏi: Giám đốc Sở Y tế lý giải thế nào về trách nhiệm của mình khi số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) không giảm? Đâu là giải pháp thiết thực để ngăn chặn dịch SXH?
Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Dịch SXH trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Giai đoạn 2000 - 2016, cứ 3 - 5 năm lại xuất hiện 1 lần và tăng cao về số ca mắc; trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 ca, cá biệt năm 2015, số ca mắc tăng đột biến đến 9.120 ca. Tuy nhiên, cũng có những năm số ca mắc giảm như năm 2011 chỉ có 800 trường hợp. Có thể khẳng định, dịch SXH lưu hành quanh năm trên địa bàn tỉnh. Trong phòng, chống dịch SXH thì khi để xảy ra dịch SXH trên địa bàn, chính quyền địa phương cấp nào chịu trách nhiệm cấp đó; trách nhiệm của ngành Y tế được giao hỗ trợ về chuyên môn phòng, chống dịch, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Để tăng cường phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động trong việc phòng, chống dịch; tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; phối hợp với các cơ quan, địa phương kiểm tra, giám sát, xác định địa bàn trọng điểm để xử lý kịp thời, đặc biệt là triển khai diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi. Trong các giải pháp thì ý thức tự phòng vệ, diệt lăng quăng, ngủ màn của người dân là quan trọng hơn cả.
Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản
Đại biểu Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong đề nghị làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý sử dụng mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản (NTTS) và các biện pháp để giải quyết vấn đề này?
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: Với trách nhiệm quản lý trên lĩnh vực NTTS, trong thời gian qua, sở đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp để tổ chức quản lý phát triển NTTS theo đúng định hướng quy hoạch. Tuy nhiên, trong NTTS cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế làm chất lượng nuôi có dấu hiệu giảm sút, như: mật độ nuôi trồng, quy trình cho ăn, xử lý chất thải trong quá trình nuôi… Thực tế đã gây nên tình trạng cá chết ở một số khu vực: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh vừa qua.
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý quy hoạch phát triển thủy sản nói chung và quy hoạch NTTS nói riêng, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành hoàn thiện để trình duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản và quy hoạch không gian ven bờ giai đoạn 2016 - 2025. Khi quy hoạch này được phê duyệt, sở sẽ phối hợp với các địa phương triển khai lập quy hoạch chi tiết NTTS vùng ven biển và các vịnh. Từ đó sẽ rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các vùng nuôi, đảm bảo ổn định phát triển sản xuất, nhất là NTTS trên vịnh Vân Phong.
Xử lý xe đón trả khách không đúng quy định
Đại biểu Nguyễn Phi Vũ - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết giải pháp để chấn chỉnh tình trạng “bến cóc” trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô (đặc biệt là khu vực đường 23-10) gây ùn tắc giao thông, mất trật tự, an toàn giao thông?
Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 đơn vị sử dụng xe giường nằm hoạt động vận chuyển hành khách với 238 xe. Trong đó, Sở GTVT quản lý 168 xe, 70 xe do Sở GTVT các tỉnh, thành khác quản lý. Theo phương án kinh doanh được Sở GTVT cấp phép thì các DN trên chỉ được đón trả khách tại bến xe khách phía nam và phía bắc của TP. Nha Trang, bến xe Cam Ranh, bến xe Ninh Hòa. Việc đón, trả khách từ nhà, văn phòng, phòng vé của các đơn vị phải được thực hiện bằng xe trung chuyển (xe 16 chỗ trở xuống).
Qua kiểm tra cho thấy, thời gian gần đây, DN đã đưa xe vào bến theo quy định để hoạt động và tổ chức đưa đón khách từ nhà hoặc phòng vé đến bến xe. Tuy nhiên, vào các giờ cao điểm, lượng khách cần đưa đón nhiều, xe đưa đón không đáp ứng được nên một số DN đã dùng xe tuyến cố định trực tiếp đón khách. Đây là việc làm không đúng quy định, gây mất trật tự giao thông trong đô thị. Trước tình hình trên, Sở GTVT đã thường xuyên chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang, Đội Cảnh sát trật tự thuộc PC46 Công an tỉnh và tổ kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm dừng, đón trả khách không đúng quy định. Kết quả từ ngày 1-1 đến 1-10 đã lập 226 biên bản vi phạm, xử phạt số tiền 256 triệu đồng, tước phù hiệu 16 xe khách. Đến nay, việc đón, trả khách sai quy định đã giảm đáng kể. Có thể khẳng định trên địa bàn TP. Nha Trang hiện nay không tồn tại bến cóc. Các hành vi vi phạm của lái xe chủ yếu là đỗ, đậu, nhận khách và dùng xe đưa đón sai quy định. Riêng đường 23-10, đoạn từ Mả Vòng đến Vĩnh Điềm Trung hiện nay có 7 DN bán vé tuyến cố định, gồm: Hà Linh, Quang Hạnh, Hương Khê, An Phú, HTX Hiệp Sơn, Vũ Hương, Liên Hưng gây mất trật tự an toàn giao thông.
Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và tổ kiểm tra liên ngành tăng cường lực lượng từ các địa phương khác về địa bàn Nha Trang để phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý kiên quyết các hành vi dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông trong đô thị. Ngoài phạt tiền, tước giấy phép lái xe có thời hạn, sở sẽ xem xét xử lý tước phù hiệu, tước giấy phép kinh doanh vận tải, đồng thời yêu cầu DN tăng cường xe trung chuyển để đảm bảo thực hiện đúng quy định.
HẢI LĂNG - VĂN KỲ (Lược ghi)