Sáng 12-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật mới.
Sáng 12-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật mới.
Đó là: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua.
Theo đó, Luật Đấu giá tài sản (gồm 8 chương, 81 điều), có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, riêng khoản 4 Điều 80 (việc thu nộp quản lý và sử dụng phí) có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
Luật đã quy định rõ về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Với Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) đã bổ sung Điểm g vào Khoản 1 Điều 6 là Kinh doanh pháo nổ; quy định bổ sung về các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình định vị; sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô.
Luật cũng bãi bỏ khoản 1, Điều 19 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Điều 151 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Đặc biệt, với việc ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo (9 chương, 68 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), đã quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
Luật đã cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
T. A