10:12, 15/12/2016

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VI, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến tháng 6-2016". Vấn đề này được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VI, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến tháng 6-2016”. Vấn đề này được các đại biểu thảo luận sôi nổi.


Nhiều tiềm năng


Theo báo cáo kết quả giám sát, những năm qua, tuy chịu nhiều bất ổn nhưng lượng khách du lịch đến Khánh Hòa liên tục tăng, từ năm 2010 đến tháng 6-2016 đạt trên 18 triệu lượt, trong đó có 4,2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, kết quả giám sát chỉ ra rằng, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch còn yếu và thiếu. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị lữ hành quốc tế còn nhiều khó khăn.


Qua kết quả giám sát, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cần có biện pháp thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch năm 2017 và những năm tiếp theo nhằm khai thác tối đa lợi thế về du lịch của tỉnh; đôn đốc triển khai nhanh các dự án bất động sản du lịch, khách sạn, resort cao cấp ở Cam Ranh, Cam Lâm, Vân Phong, Ninh Vân, Nha Trang…; đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm du lịch nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần thực hiện các biện pháp nhằm đào tạo một cách bài bản nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, thực hành kỹ năng phục vụ trong lĩnh vực du lịch, trong đó cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước về du lịch.


Đại biểu Hồ Văn Mừng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận định: Tiềm năng phát triển du lịch tại các địa phương rất lớn nhưng đang phát triển theo kiểu tự phát. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, có kế hoạch tổng thể về phát triển du lịch, khai thác hiệu quả các tiềm năng, làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch của tỉnh, giúp các địa phương phát triển ngành này. Ngoài ra, vấn đề quảng bá hình ảnh du lịch Khánh Hòa vẫn còn hạn chế, cần quan tâm hơn.


Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh cho rằng, phát triển du lịch thời gian qua chỉ tập trung về biển đảo. Du lịch văn hóa, lịch sử mới chỉ phát triển khu Tháp Bà Ponagar. “Tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm đầu tư phát triển du lịch ở các điểm di tích lịch sử văn hóa quốc gia để tạo thêm sản phẩm mới, thu hút khách du lịch. Diên Khánh có khu Am Chúa, Thành cổ Diên Khánh… cần được quan tâm phát triển để tạo thêm sản phẩm du lịch chung, liên kết với sản phẩm biển, đảo, từ đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách”, ông Ghi đề xuất.


Theo đại biểu Trần Mạnh Dũng - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh: “Việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch là rất cần thiết, nhưng để phát triển du lịch thì cả xã hội cần phải biết làm du lịch. Tôi lên Sa Pa thấy cả thị trấn đều biết làm du lịch, từ cụ già đến trẻ em. Tôi đi Hội An thấy bác xích lô, xe ôm đều rất văn minh, thân thiện”.


Bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực


Thông tin về công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, bà Lê Thị Mỹ Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, Khoa Du lịch của trường có hơn 1.200 sinh viên. Tuy nhiên, có một thực trạng là sinh viên học ngành Du lịch rất yếu về ngoại ngữ, trong khi sinh viên học ngoại ngữ thì không có năng lực về du lịch. Để nâng cao chất lượng nhân lực ngành Du lịch, giải pháp trước mắt là tăng thời gian thực tập của sinh viên tại các cơ sở du lịch (trước đây thực tập 6 tuần nay tăng lên 8 tuần); cử giáo viên đi thực tế tại các doanh nghiệp du lịch để tăng thêm kinh nghiệm trong giảng dạy…


Trong khi đó, đại biểu Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Cơ chế chính sách thu hút phát triển du lịch hiện nay còn hạn chế; quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đã cũ, cần có quy hoạch mới. Quy hoạch du lịch phải xây dựng khu, tuyến, điểm cụ thể để đầu tư có địa chỉ, có mục đích chứ không nên quy hoạch chung chung. Vấn đề tồn tại hiện nay là tình trạng chèo kéo khách, đẩy giá vào mùa cao điểm, thông tin về xúc tiến du lịch còn mù mờ, chưa rõ ràng cần sớm giải quyết.

 

Trao đổi thêm về việc phát triển ngành Du lịch, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Sản phẩm và thế mạnh du lịch của tỉnh chính là biển đảo. Tất cả thế mạnh du lịch biển đảo đã được khai thác, thậm chí đi trước. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm du lịch là vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Đã đến lúc tỉnh cần xác định du lịch Khánh Hòa phát triển theo hướng du lịch cao cấp; định hướng phát triển du lịch cao cấp thì phải đầu tư cao cấp, từ đó quảng bá, xúc tiến du lịch phải tập trung ở thị trường khách cao cấp. Về nguồn nhân lực du lịch, hiện nay có tình trạng người dạy nhưng lại chưa bao giờ làm du lịch, dẫn đến bất cập; học xong, cơ sở tuyển dụng phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, kể cả TP. Nha Trang còn lúng túng trong việc triển khai chương trình phát triển du lịch; vai trò của các địa phương về vấn đề này còn mờ nhạt.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, qua các ý kiến thảo luận của đại biểu, đại diện UBND tỉnh, vấn đề quản lý du lịch, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã được làm rõ thêm. Ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị, UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp thu, triển khai các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh.


VĂN KỲ - HẢI LĂNG