Ngày 18-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 417 phiếu tán thành, chiếm 84,58% tổng số đại biểu Quốc hội.
Ngày 18-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 417 phiếu tán thành, chiếm 84,58% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều, thông qua quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Đối tượng áp dụng của luật là các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân… Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
Trước đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); dự án Luật Du lịch (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
T.A (Tổng hợp)