Với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, sau 3 năm thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016", nhận thức pháp luật của người dân đã chuyển biến tích cực.
Với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, sau 3 năm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016”, nhận thức pháp luật của người dân đã chuyển biến tích cực.
Nhiều cách tuyên truyền
Địa bàn 5 phường: Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Xương Huân (TP. Nha Trang) do Đồn Biên phòng (ĐBP) Cầu Bóng phụ trách là khu vực có trình độ dân trí không đồng đều; thời gian qua có một số tàu cá của ngư dân còn xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép. Theo Thiếu tá Nguyễn Công Ân - Chính trị viên phó đồn, đơn vị chú trọng tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng và ngư dân. Trong gần 2.000 lượt người dự 19 buổi tuyên truyền pháp luật do đồn tổ chức thì chủ yếu là các đối tượng trên. Đồn còn mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các thuyền trưởng, máy trưởng và lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho khoảng 1.200 ngư dân. Nội dung tuyên truyền đều cụ thể, ngắn gọn, luôn sát với đời sống ngư dân, hợp với từng đối tượng tuyên truyền và minh họa bằng thực tế hàng ngày. Thời gian tuyên truyền cũng linh hoạt theo thời gian đánh bắt của ngư dân.
Các tập thể, cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng |
Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm) là xã được Ban chỉ đạo đề án chọn làm điểm thực hiện. Song song với việc phối hợp với ĐBP Cam Hải Đông và các phòng, ban của huyện tuyên truyền pháp luật, xã còn tham mưu UBND huyện xử lý nhiều trường hợp xây dựng công trình trên đất đã có thông báo chủ trương thu hồi đất. Đại úy Đoàn Thân Quốc Việt - Chính trị viên phó ĐBP Cam Hải Đông cho biết, từ năm 2013 đến 2016, đồn phối hợp tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền với gần 1.000 lượt người tham dự; tuyên truyền độc lập cho hơn 100 người tại xã Cam Hải Đông; phối hợp tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa cho hàng trăm người dân.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lại chú ý hướng tiếp cận đối tượng tuyên truyền. Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Hội phân tích: “Tuyên truyền chỉ thực sự hiệu quả khi thu hút được chị em đến với hội. Muốn vậy, hội phải động viên, hỗ trợ thiết thực cho chị em, từ đó họ mới tự nguyện gắn bó, tin tưởng và hưởng ứng hoạt động tuyên truyền, dần trở thành nòng cốt vận động người thân chấp hành đúng pháp luật”. Vì vậy, hội phối hợp với các ĐBP tổ chức nhiều câu lạc bộ để chị em giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Các cấp hội cũng phối hợp với bộ đội biên phòng đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho chị em phát triển kinh tế…
Với gần 1.000 cán bộ, giáo viên tham gia triển khai đề án, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh thuận lợi hơn khi PBGDPL bằng cả hình thức nội và ngoại khóa, chú trọng tuyên truyền 2 nội dung sát gần học sinh, sinh viên là an toàn giao thông và phòng, chống tội phạm, thu hút hàng trăm ngàn em tham gia.
Được biết, công tác PBGDPL cho người dân vùng biên giới, hải đảo vốn là việc làm thường xuyên của tỉnh, nhưng từ khi triển khai đề án, công tác này được thực hiện theo kế hoạch cụ thể. 3 năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp và trực tiếp tổ chức hơn 1.200 buổi tuyên truyền cho hơn 130.000 lượt người; xây dựng, phát sóng 36 chuyên mục Vì chủ quyền an ninh biên giới, 95 phóng sự, 250 tin, bài phản ánh hoạt động của bộ đội biên phòng…
Chuyển biến về nhận thức pháp luật
Theo ông Nguyễn Trọng Khương - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, việc tuyên truyền pháp luật thường xuyên đã có tác dụng. Toàn xã có 17/25 vụ tranh chấp được hòa giải thành; 8 trường hợp có quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc - Thôn trưởng thôn Thủy Triều (xã Cam Hải Đông) chia sẻ, hồi mới triển khai đề án, khi lực lượng chức năng thu giữ lờ dây, không chỉ người dân thôn Thủy Triều mà cả dân xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc đang đánh bắt tại đầm Thủy Triều cũng phản ứng. Nhưng sau tuyên truyền, nhiều người đã tự nguyện chuyển sang làm đáy, làm lưới hoặc xin làm công nhân. Hiện nay, số người trong thôn khai thác thủy sản bằng lờ dây, kích điện giảm 80 - 90%; số chưa chuyển đổi là do điều kiện sống quá khó khăn, chưa xin được việc khác.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đề án, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, công tác PBGDPL vùng biên giới, hải đảo được triển khai nghiêm túc, hình thức phong phú, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tình trạng vi phạm pháp luật giảm, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này cơ bản được giữ vững. Đồng chí yêu cầu, tuy đề án đã được tổng kết nhưng công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo phải được tiếp tục thực hiện và đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện.
N.V - M.H