10:11, 08/11/2016

Mở rộng đối tượng và phạm vi được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Chiều 8/11, Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp...

Chiều 8/11, Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp...

 

Các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về mở rộng đối tượng và phạm vi được  miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về mở rộng đối tượng và phạm vi được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.


Tờ trình dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày. Điểm mới của dự án Luật này là ngoài các nội dung hỗ trợ cơ bản cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước còn có các biện pháp hỗ trợ mang tính chọn lọc, chuyên biệt, trọng tâm hướng tới những đối tượng mục tiêu như: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng đổi mới sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế.


Theo Tờ trình của Chính phủ, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình từ phát triển dựa vào các yếu tố cơ bản như tài nguyên, lao động giá rẻ sang phát triển dựa vào nâng cao hiệu suất. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là startup), doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang khẳng định tiềm năng phát triển với vai trò quan trọng trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm tạo tiền đề cho các hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo Luật quy định các địa phương được hình thành quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tùy theo điều kiện ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và quản lý quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chức năng đầu tư, tài trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.


Với nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn vốn nhà nước và ngoài nhà nước, việc huy động nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cần thiết. Vì vậy, dự thảo Luật quy định các chính sách khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm của khu vực tư nhân đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm luật hóa và có căn cứ để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước góp vốn vào quỹ này. Ngoài hỗ trợ về vốn, Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường; đào tạo, tư vấn và truyền thông; kết nối rộng thị trường; ứng dụng, chuyển giao công nghệ và hoàn thiện sản phẩm…Trong đó, để thu hút nhân lực công nghệ cao làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật quy định đối tượng này được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại pháp luật thuế thu nhập cá nhân.

 
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế đồng tình với quan điểm chuyển phương thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sang chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và tránh vi phạm cam kết quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.


Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc mở rộng đối tượng và phạm vi được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị việc miễn, giảm cần được tính toán để tạo động lực, khuyến khích cá nhân, gia đình, tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.


Các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về mở rộng đối tượng và phạm vi được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo các đại biểu, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 55, tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn giảm khoảng 7 triệu héc ta, chiếm 68% tổng diện tích chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tổng số thuế được miễn giảm là gần 7 tỷ đồng. Do vậy, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ hộ gia đình, cá nhân là cần thiết vì qua đó sẽ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo dự thảo Nghị quyết cũng không gây tác động lớn đến thu ngân sách nhà nước, theo tính toán của Chính phủ là khoảng 53,5 tỷ đồng một năm. Đối với đất sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, đại biểu Thạch Phước Bình, (đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần có lộ trình xử lý đứt điểm tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, đồng thời rà soát, nếu cần thiết thì thu hồi đất nông nghiệp đã giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng mà giao cho tổ chức cá nhân khác.


Nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn giảm cũng cần tính toán để tạo động lực, khuyến khích cá nhân, gia đình tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Hoàng Văn Cường, (đoàn Hà Nội) cho rằng, chính sách miễn giảm 100% thuế sử dụng đất cho tất cả các hộ gia đình nông dân được giao đất, chỉ thu tiền sử dụng đất đối với tổ chức được giao nhưng không sử dụng sản xuất với tổng số tiền 5,7 tỷ đồng. Nếu xét ở khía cạnh thu ngân sách, thì đây là con số quá nhỏ so với chi phí vận hành hàng năm. Tuy nhiên, mục tiêu ở đây không phải thu ngân sách nên cần phải tính đến việc quản lý, sử dụng đất sao cho hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực, đất đai không được huy động trong sản xuất nông nghiệp. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường: Ở vùng nông thôn, nhiều người nông dân được giao đất nhưng không sản xuất nông nghiệp, đất đai đó hoặc bỏ không, hoặc đưa vào sản xuất nhưng không hiệu quả. Vì đất giao không có thuế nên cứ giữ lấy sản xuất. Việc này cản trở tích tụ đất đai cho những người sản xuất lớn. Người tập trung sản xuất nông nghiệp phải đi thuê đất thì cũng sẽ không yên tâm để đầu tư hạ tầng, máy móc để sản xuất lâu dài. Vì vậy, tôi cho rằng cần điều chỉnh lại chính sách theo hướng miễn thuế cho những người trực tiếp sản xuất, còn đối với những tổ chức, gia đình không có nhu cầu hoặc cho thuê lại thì phải đánh thuế.


Theo Dự thảo Nghị quyết, trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì tiếp tục thu 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao lại cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp.


Theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng, (đoàn Sóc Trăng), đây là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Chỉ riêng đối với đất nông nghiệp được giao cho các nông lâm trường quốc doanh, Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội khóa 13 vào cuối năm ngoái đã cho thấy rất nhiều vi phạm trong vấn đề này. Nhiều nông, lâm trường giao khoán đất nhưng không quản lý chặt chẽ, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc. Một số nông, lâm trường để người nhận khoán chuyển nhượng đất cho người ở các thành phố, địa phương khác không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Quốc hội cần cân nhắc việc quy định tiếp tục thu 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với trường hợp này.


Theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng, số thuế thu được vào Ngân sách nhà nước theo tính toán của Chính phủ không đáng kể (khoảng 5,7 tỷ đồng/năm), nhưng tác động bất lợi đối với ý thức thượng tôn pháp luật thì vô cùng lớn vì như vậy vô hình trung đã hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, khiến cho việc thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai càng khó khăn hơn. Thay vào đó, đại biểu Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cần xử lý nghiêm các hành vi này theo đúng quy định tại Nghị định số 102 năm 2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời đề nghị Quốc hội ấn định thời hạn và giao Chính phủ kiên quyết thực hiện việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp được giao cho các tổ chức nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc đem giao, cho thuê lại không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.


Theo ĐCSVN