12:11, 14/11/2016

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII

Sáng 14-11, tại Nha Trang, Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật Gia Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII với chủ đề "Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực".

Sáng 14-11, tại Nha Trang, Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật Gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Đến dự có ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Chủ trì hội thảo gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện ngoại giao; ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

 

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo


Hội thảo có hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước, là các quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà ngoại giao tham gia thảo luận. Tại Hội thảo lần này, các chuyên gia hàng đầu thế giới về Biển Đông sẽ trình bày khoảng 30 tham luận về các lĩnh vực: Quan hệ Quốc tế, Luật Quốc tế, An ninh biển, Hợp tác biển…


Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII bao gồm các phiên thảo luận về: Nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông: Khía cạnh lịch sử; căng thẳng Biển Đông sẽ đi đến đâu?; Luật pháp quốc tế và Biển Đông; Kinh tế chính trị của Biển Đông: Vấn đề và Triển vọng; An ninh, Chính trị và Ngoại giao; Tương tác và phối hợp trên biển; cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông.


Phát biểu khai mạc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng nhận định, trong năm qua, căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở gần khu vực Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa, chưa kể nhiều vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hoá ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động. Thông qua hội thảo này, chúng ta hy vọng có thể đưa ra những kiến nghị tích cực và xác đáng, giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì mục tiêu cải thiện môi trường an ninh, phát triển chung, nhất là các đề xuất nhằm xây dựng, củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh khu vực trong việc quản lý tranh chấp và giải quyết hoà bình các vấn đề phức tạp ở Biển Đông.


Bên cạnh chương trình chính, hội thảo lần này cũng tiếp tục tổ chức Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ (YLP) tập hợp 8 nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sĩ từ 7 quốc gia với mục tiêu xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ về Biển Đông và thảo luận về các ý tưởng và sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở Biển Đông.


THÀNH NAM