Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm học 2016 - 2017. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề này.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm học 2016 - 2017. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết tình hình tổ chức hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Trong những năm qua, ngành GD-ĐT đã tích cực phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các ban, ngành tham mưu, đề xuất với các cấp ủy đảng, UBND tỉnh đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm học tập cộng đồng. Nếu như năm 2001 - 2004, toàn tỉnh chỉ có 35 trung tâm học tập cộng đồng thì đến năm 2014, mạng lưới các trung tâm đã phủ kín tất cả 137/137 xã, phường, thị trấn. Đến nay, các trung tâm đã hoạt động ổn định, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, tạo điều kiện cho người dân học tập thường xuyên. Một số trung tâm, nhất là ở các xã nông thôn đã tổ chức cho nhân dân học các chuyên đề về văn hóa, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển giao khoa học công nghệ, giúp nông dân tăng năng suất lao động, phát triển cây trồng, vật nuôi…
Bên cạnh đó, các trung tâm học tập cộng đồng vẫn còn không ít những tồn tại cần khắc phục. Hiện nay, do cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động còn hạn chế nên chưa bảo đảm nguồn lực để các trung tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số trung tâm tổ chức hoạt động chưa liên tục, thường xuyên, còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành. Trước đây, các trung tâm chỉ chủ yếu tổ chức các chuyên đề học tập, nhưng nhiệm vụ hiện nay là phải đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập theo Đề án 281 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị ở một số địa phương để xây dựng các mô hình này còn chưa chặt chẽ và đồng bộ. Ngoài ra, một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nên phong trào phát triển chưa đều khắp.
- Thời gian tới, ngành GD-ĐT có những giải pháp gì để kiện toàn tổ chức và lồng ghép các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, thưa ông?
- Bên cạnh các hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, việc đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với các trung tâm học tập cộng đồng. Để các trung tâm duy trì thường xuyên và hoạt động có hiệu quả, trong đó có việc phối hợp tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình học tập, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể. Đây là yếu tố quyết định đảm bảo cho việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng của các trung tâm. Các tổ chức cơ sở Đảng cũng nên xem đây là một trong những tiêu chí phấn đấu xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, cần có sự năng nổ, nhiệt tình, chịu khó học hỏi, luôn chủ động trong việc tìm tòi cái mới, cái hay của ban quản lý trung tâm học tập cộng đồng để áp dụng có hiệu quả vào các hoạt động. Đồng thời, chú trọng công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thống nhất kế hoạch hoạt động, tránh chồng chéo cũng như huy động nguồn lực từ các đề án, chương trình do các ban, ngành, đoàn thể phụ trách để hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở. Ngoài ra, các trung tâm cần xem công tác tuyên truyền là việc làm thường xuyên, thực hiện dưới nhiều hình thức để người dân được nghe, được biết và cùng thực hiện về chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT của tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
K.D (Thực hiện)